Lãi suất thấp, khách hàng vẫn khó vay vốn

Thứ Hai, 06/11/2023, 06:10

Lãi suất cho vay tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm so với trước, nhưng không thu hút được nhiều doanh nghiệp (DN) đến vay vốn. Trong khi đó, đây là thời điểm DN rất cần vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng cuối năm…

Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Hùng, sản xuất ngành hàng thực phẩm chia sẻ, từ cuối năm 2022 đến hết tháng 8/2023 hoạt động của DN rất khó khăn khi giá nguyên liệu tăng mạnh, bình quân tăng 12-13%, có lúc tăng 25-26%.

vay.jpg -0
Do sức mua thấp, nhiều doanh nghiệp không dám vay vốn để mở rộng sản xuất.

Thời điểm đó, lãi suất ngân hàng không dưới 10% là mức rất cao, trong khi trừ đi tất cả các chi phí, lợi nhuận của DN cũng chỉ đạt khoảng 10%. Chính vì vậy, DN không dám vay vốn để mua nguyên liệu dự trữ và DN cũng phải thu hẹp sản xuất để duy trì hoạt động. Hiện nay, mặc dù lãi suất ngân hàng có giảm so với trước, nhưng DN không dám vay để mở rộng sản xuất do sức mua vẫn còn sụt giảm, nhiều dự báo cũng cho thấy người tiêu dùng đang tiếp tục thắt chặt chi tiêu từ nay cho đến Tết.

Mặc dù đã có đơn đặt hàng trở lại từ đối tác nước ngoài, nhưng ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc một DN sản xuất hàng nội thất (quận 12) cũng không khỏi băn khoăn: “DN chúng tôi đã bị đứt đơn hàng từ cuối 2022 và tình trạng này kéo dài sang năm 2023, tháng 10 vừa rồi mới có đơn đặt hàng trở lại. Để giữ chân công nhân, DN vẫn phải duy trì hoạt động và đến nay nguồn vốn của DN cũng đã cạn kiệt, tài sản thế chấp cũng đã hết. Vì vậy, mặc dù lãi suất cho vay giảm, nhưng điều kiện cho vay của ngân hàng vẫn không thay đổi, DN không còn tài sản đảm bảo để vay ngân hàng, nên chúng tôi tính tới chuyện tìm nguồn vay từ các kênh khác”.

Có nhiều nguyên nhân khiến DN khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng như: DN không có tài sản đảm bảo cũng như mức độ công khai minh bạch không cao; DN không có đơn hàng hoặc bị gãy chuỗi cung ứng; DN gặp khó khăn do hoạt động kinh doanh sụt giảm… Hiện nay, mức lãi suất vay phổ biến đối với khoản vay ngắn hạn ở khoảng 7%/năm và đối với khoản vay trung, dài hạn 9%-10,5%/năm. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn cho rằng, mức lãi suất này vẫn còn cao và mong muốn được ngân hàng cho vay tiếp tục hạ lãi suất để DN dễ dàng tiếp cận hơn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: Về lãi suất, từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm và kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách khác. Theo thông tin của các ngân hàng thương mại (NHTM) có trụ sở chính trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngoài các đợt giảm lãi suất các NHTM đã chủ động điều chỉnh giảm, các NHTM đã thực hiện cam kết điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5%-2%/năm đối với các khoản vay hiện hữu và sẽ tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới. Dự kiến, mặt bằng lãi suất trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn cuối năm 2023.

Theo NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, ngay từ đầu năm 2023, NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cùng với các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với DN, mục tiêu là tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Đức Lệnh cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm là giai đoạn cao điểm về nhu cầu vốn để thanh toán, dự trữ hàng hóa, tăng cường sản xuất kinh doanh phục vụ cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán… ngành ngân hàng thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, người dân, tiếp tục định hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo hoạt động tín dụng hiệu quả.

T.Hà
.
.
.