Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Campuchia tiến tới cán mốc 10 tỷ USD

Thứ Tư, 09/11/2022, 08:08

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 10/2022, xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Campuchia đạt gần 4,94 tỷ USD, tăng 25,6%, tương đương kim ngạch tăng thêm 1 tỷ USD. Các nhóm hàng XK sang Campuchia có kim ngạch lớn đạt từ 100 triệu USD trở lên như sắt thép, dệt may, xăng dầu, phân bón, giấy và sản phẩm từ giấy…

Đáng chú ý, dù mới hết tháng 10 nhưng kim ngạch XK của Việt Nam sang Campuchia lớn hơn kết quả của cả năm 2021 (năm ngoái đạt 4,83 tỷ USD). Chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia trong 10 tháng qua đạt 4,13 tỷ USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 2 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất là cao su và hạt điều với kim ngạch hơn 1 tỷ USD/nhóm hàng. Tuy nhiên, trong khi kim ngạch nhập khẩu cao su đạt 1,28 tỷ USD, tăng 16,4%, thì ngược lại nhóm hàng hạt điều giảm mạnh từ 1,85 tỷ USD của 10 tháng đầu năm ngoái xuống còn 1,08 tỷ USD. Với quy mô kim ngạch hiện nay, nhiều khả năng năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia lần đầu cán mốc 10 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và Campuchia có sự bổ sung lẫn nhau. Campuchia có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng sắt thép, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, đồ nhựa, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, phân bón... Ngược lại, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng là thế mạnh của Campuchia như hàng nông sản (cao su, hạt điều, sắn, ngô…) để phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước và XK.

Để đẩy mạnh XK sang Campuchia trong thời gian tới, đại diện Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu và tận dụng tối đa các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong các Hiệp định/Thỏa thuận mà Việt Nam và Campuchia đã ký kết trong khuôn khổ đa phương và song phương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các mặt hàng XK, nhập khẩu từ mỗi nước; nâng cao hàm lượng chế biến trong các sản phẩm XK, nhập khẩu giữa hai nước; đầu tư thích đáng vào xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa tại thị trường mỗi nước; thiết lập kênh phân phối hàng hóa tại thị trường để đảm bảo sự chủ động và khả năng điều chỉnh trong những lúc thị trường gặp khó khăn.

Phan Đức
.
.
.