Kiểm soát chất lượng, nguồn gốc sản phẩm tại các chợ đầu mối

Thứ Sáu, 14/10/2022, 07:02

Thời gian qua, tình trạng thực phẩm “phù phép” nhãn VietGap và nguồn gốc xuất xứ để vào một số hệ thống khiến dư luận bức xúc, người tiêu dùng (NTD) mất niềm tin và tác động không nhỏ đến những doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Tại tọa đàm"Vấn đề kiểm soát đầu vào của các đơn vị phân phối – thương mại thực phẩm" tổ chức ngày 13/10 tại TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề kiểm soát hàng hóa khi đến tay NTD vẫn còn nhiều lỗ hổng.

1.jpg -0
Rau củ quả tại các chợ truyền thống chưa kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.

Kể từ sau dịch COVID -19, chợ đầu mối Thủ Đức mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 2.300 tấn rau củ quả và trái cây. Riêng mặt hàng rau củ quả chiếm khoảng 1.300 tấn. Với lượng rau củ quả, hàng ngày cung cấp ra thị trường lớn như vậy, nên việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất xuất nguồn gốc tại vùng trồng, là vấn đề rất đáng quan tâm.

Hiện tại, hàng hóa nhập vào chợ nông sản Thủ Đức được Đội 2 - Ban An toàn thực phẩm (ATTP) kiểm tra thường xuyên. Khi hàng nhập chợ theo quy trình: Chủ hàng đăng ký với công ty chợ về nguồn hàng, mã hàng, vùng vận chuyển đến, số điện thoại người cung cấp hàng, hàng cung cấp vào ô vựa nào, số lượng bao nhiêu, ô vựa nhập hàng phải ghi chép nguồn gốc hàng hóa để làm bằng chứng khi Ban ATTP có truy xuất nguồn gốc thì có thể cập nhật thông tin ghi chép này để truy xuất đến vùng trồng.

Ông Nguyễn Bình Phương – Phó Giám đốc bộ phận kinh doanh tiếp thị Công ty CP Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho biết: “Khi kiểm soát ATTP thì Đội 2- Ban ATTP phối hợp công ty chợ đi lấy mẫu ngẫu nhiên, những mặt hàng nào có nguy cơ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cao, những sản phẩm có sử dụng hóa chất để ngâm tẩy, sử dụng hóa chất để sơ chế hàng hóa với mục đích làm cho hàng đẹp hơn, sử dụng lâu hơn… sẽ có nguy cơ mất ATVSTP cao, thì tần suất lấy mẫu để kiểm nghiệm cao hơn”.

Ông Phan Anh Tuấn – Trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm và môi trường chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho biết, là một trong 3 chợ đầu mối cuả TP Hồ Chí Minh, nguồn hàng nhập vào chợ đầu mối Hóc Môn rất đa dạng như: Mỹ, Canada, Trung Quốc, Thái Lan, …  và Việt Nam. Về vấn đề ATTP, tất cả các nguồn hàng vào chợ, thương nhân đều phải ghi nguồn gốc hàng hóa rõ ràng. Sáng ngày 13/10, chợ đã phối hợp với Đội 9 ATTP lấy 20 mẫu rau củ quả để test ở Viện y tế công cộng. Những mẫu này là tự chợ đầu mối phối hợp với thương nhân tự bỏ tiền ra để test sản phẩm để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT), khi làm việc với Ban Quản lý chợ Thủ Đức Thủ Đức thì thấy chợ có nội quy về ATTP, còn chợ đầu mối Hóc Môn có đào tạo kiến thức ATTP cho thương nhân ở chợ, 1 năm có khám sức khỏe 1 lần cho thương nhân và công nhân làm trong chợ, điều đó rất tốt. Tuy nhiên, có một thực tế là tại chợ đầu mối Thủ Đức, chợ đầu mối Hóc Môn thì hàng Trung Quốc vào Việt Nam rất nhiều. Như tại chợ Hóc Môn, các thương nhân ở chợ cho biết có đến 90% nấm từ Trung Quốc, hơn 90% tỏi cũng nhập từ Trung Quốc… Nhưng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đều có giấy chứng nhận kiểm dịch ở cửa khẩu, trên bao bì sản phẩm có ghi tên nhà sản xuất hoặc nhà phân phối, số điện thoại…, còn hàng Việt Nam thì hầu như bao bì bì trắng, không biết rau củ quả từ đâu nhập về chợ. Như vậy, thì làm sao kiểm soát được hàng hóa?

Ông nguyễn Bình Phương cũng thừa nhận, hàng Việt Nam tại chợ đầu mối Thủ Đức trên các thùng, rổ, bao bì không có tem nhãn nào nên khi muốn truy xuất nguồn gốc là rất khó. Vì vậy, sản phẩm cần phải được dán tem để cơ quan nhà nước cũng như chợ đầu mối dễ dàng quản lý, việc dán tem phải được thực hiện tại vùng trồng. Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là cần thiết để thông tin sản phẩm rõ ràng hơn, minh bạch hơn cho người sử dụng.

Để kiểm soát được chất lượng cũng như nguồn gốc thực phẩm tại các hệ thống phân phối thì đối với hàng nhập khẩu phải kiểm soát tại các cửa khẩu, còn tại thị trường nội địa thì phải kiểm soát được hàng hóa nhập vào các chợ đầu mối trước khi hàng hóa cung ứng ra thị trường. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, những lỗ hổng lớn nhất để hàng hóa chưa đạt chuẩn vào được các hệ thống phân phối đó là: Tiêu chuẩn VietGap hiện nay trong luật không bắt buộc áp dụng. Bên cạnh đó, Luật không bắt buộc rau tươi phải có nhãn mác. Đây là mấu chốt quan trọng khiến cho chợ đầu mối có muốn cũng không làm được.

Vì vậy, theo bà Minh nhà nước cần phải sửa những quy định trên. Bắt buộc rau củ quả phải có nhãn mác, nhãn mác cần ghi rõ ràng nhà sản xuất, tên người sản xuất và giấy chứng nhận mà họ được cấp để chợ đầu mối có thể kiểm soát được; thứ 2, là phải truy xuất nguồn gốc; thứ 3, sản phẩm phải đạt chuẩn, chuẩn VietGap là đã hạ thấp so với GlobalGap rồi, vậy ít nhất VietGap phải bắt buộc, rất mong cơ quan quản lý Nhà nước phải thay đổi, cập nhật, để làm sao bảo đảm an toàn cho NTD.

Thúy Hà
.
.
.