Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ

Chủ Nhật, 21/05/2023, 06:48

Ngành lương thực thực phẩm (LTTP) là một trong các ngành công nghiệp chủ lực được Chính phủ ưu tiên phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 19/5, tại cuộc họp thông tin về triển lãm quốc tế ngành LTTP TP Hồ Chí Minh 2023 (HCM FOODEX 2023), ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu Tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) khẳng định: "Các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh LTTP cần nhất trong lúc này là các chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại để giúp DN sớm phục hồi, vượt qua khó khăn và nâng cao hiệu quả hoạt động, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (XK), hướng đến mục tiêu phát triển bền vững".

Hiện Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) và vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đang được nhiều nước quan tâm trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu. Điều này đã mang lại nhiều cơ hội và lợi thế phát triển cho DN ngành sản xuất, chế biến LTTP Việt Nam.

Trong quý 1/2023, mặc dù bối cảnh kinh tế chung còn nhiều khó khăn khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ thì ngành LTTP Việt Nam vẫn tăng trưởng dương khi chỉ số IIP tăng 3,4% và chỉ số tồn kho giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng với TP Hồ Chí Minh, ngành chế biến LTTP là ngành trọng điểm, chiếm 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp và là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của thành phố.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội LTTP TP Hồ Chí Minh (FFA) cho rằng, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành LTTP TP Hồ Chí Minh trong quý 1/2023 giảm 1,75% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành LTTP tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang hết sức khó khăn, mặc dù DN đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, kết nối xúc tiến… nhưng nhu cầu thị trường vẫn còn yếu. Ông Hiến cũng chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến của sự sụt giảm này.

Thứ nhất, đó là do sức mua thị trường nội địa dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất. Chỉ số tiêu thụ LTTP (bao gồm bán buôn và bán lẻ) giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2022; thứ hai, DN khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao khiến khả năng hấp thụ vốn đã bắt đầu giảm; thứ ba, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… đã khiến đơn hàng XK giảm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất của các DN.

Được biết, năm 2022, triển lãm HCM FOODEX tổ chức vào tháng 10, nhưng năm nay sẽ tổ chức từ ngày 28 - 30/6 do DN gặp khó khăn từ quý 4/2022 kéo sang những tháng đầu năm 2023. Vì vậy, triển lãm được tổ chức sớm để các DN trong nước sớm có cơ hội tiếp cận với các đối tác, khách hàng trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng.

Triển lãm HCM FOODEX 2023 dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh do ITPC chủ trì, phối hợp với FFA tổ chức tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC). Triển lãm dự kiến có quy mô khoảng gần 300 gian hàng của hơn 200 đơn vị tham gia trong nước và quốc tế.

Thúy Hà
.
.
.