Dược liệu quý giúp người dân kiếm tiền tỷ và bảo vệ rừng

Thứ Ba, 12/12/2023, 08:29

Những cánh rừng ngút ngàn của Kon Tum vốn là "vựa" dược liệu quý, nhưng trước đây chưa được trồng và khai thác để sản xuất thuốc, trong khi nhu cầu sử dụng dược liệu lại rất lớn. Từ việc chặt phá rừng làm nương rẫy, giờ đây người dân ở Kon Tum đã trồng hàng nghìn ha cây thuốc quý, giúp họ không những thoát nghèo mà còn giúp bảo vệ rừng.

Mua ôtô, xây nhà nhờ trồng sâm quý

Xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) bạt ngàn những cánh rừng với tán lá xanh của sâm Ngọc Linh. Chàng trai A Đôi (SN 1996) đưa chúng tôi vào sâu trong núi Ngọc Linh và cho biết, trước đây, bà con trong xã chỉ lên rừng săn bắt, trồng ngô, làm nương rẫy, cuộc sống rất khó khăn. Sau khi nhận ra giá trị của loài sâm quý mọc tự nhiên trong rừng sâu, họ bắt đầu nhân giống trồng thử và phát triển lên hàng trăm ha như ngày nay, nhiều hộ đã thoát nghèo. Gia đình A Đôi bắt đầu trồng sâm từ năm 2006 với nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ ngân hàng chính sách cho thanh niên lập nghiệp.

Mới đầu chỉ vài chục gốc, sau phát triển ra 3-4 vườn sâm với khoảng 30.000 gốc. Sâm Ngọc Linh được trồng trên núi Ngọc Linh ở độ cao 1.200-1.500m, nơi có khí hậu lạnh, thổ nhưỡng phì nhiêu cho loài dược liệu quý phát triển. Để thu được củ, phải mất từ 7-8 năm. Tuy nhiên, giá trị kinh tế từ sâm Ngọc Linh rất cao. "Loại 30 củ/kg em bán buôn 100 triệu/kg. Vì là dược liệu quý, nên cung luôn không đủ cầu", A Đôi cho biết.

Gia đình A Đôi thuê 20 công nhân đều là người trong xã Tê Xăng để trồng sâm, lương 4 triệu/người/tháng chưa kể ăn ở. Theo chàng trai 9X, trung bình mỗi năm, thu nhập của gia đình khoảng 2 tỷ đồng từ bán cây sâm giống (mỗi năm bán 3.000 cây), hạt và thu mua lại sâm của bà con bán cho đầu mối. "Năm ngoái, gia đình em mua được xe ôtô hơn 1,5 tỷ, trước đó xây nhà. Vì là dược liệu quý nên sâm khai thác từ củ đến thân, lá, riêng với lá tươi có giá 10 triệu/kg để làm trà sâm, ngâm rượu", A Đôi chia sẻ.

4.jpg -0
Người dân Tu Mơ Rông thoát nghèo từ trồng sâm trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, rừng ở Tê Xăng được giao khoán cho thôn quản lý, người dân vừa trồng sâm vừa bảo vệ rừng, nên không còn tình trạng phá rừng mà chỉ canh tác dưới tán rừng. Vì vậy, hầu hết người dân đều trồng sâm dây ở những cánh rừng thấp, chỉ 6 tháng đến 1 năm cho thu hoạch, 1kg sâm dây có giá 100 -150 nghìn đồng. Ngoài ra, người dân còn khai thác bán cây sâm giống với giá 300 nghìn/cây, 100 nghìn/1 hạt giống.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trước kia, do người dân khai thác hết sâm Ngọc Linh, nên huyện có kế hoạch bảo tồn cây dược liệu quý này. Toàn huyện hiện trồng 1.700ha sâm, trong đó người dân trồng 100ha với khoảng 600 hộ tham gia. Có củ sâm gần cả tỷ đồng (800g, 13 nhánh), giá sâm tính theo năm, hình thái đẹp (nhiều nhánh). Với loại 100g/củ có giá 250-350 triệu/kg; loại 2 củ/100g từ 180-200 triệu/kg; loại 3 củ/100g giá 80-150 triệu/kg. Đến nay, có 100 hộ thoát nghèo từ sâm Ngọc Linh, nhiều hộ làm giàu, có hộ bình quân mỗi năm thu về chục tỷ đồng chỉ từ bán hạt, chưa nói tới củ và lá. Nếu như năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 70%, thì nay giảm xuống còn 30%. 

Phát triển nguồn dược liệu quý cũng là để bảo vệ rừng

Theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám, chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, Lan Kim tuyến, Hồng Đẳng Sâm... Nhu cầu sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc thực vật làm thuốc ngày càng nhiều.

Để phát triển nguồn dược liệu quý, tỉnh Kon Tum đã xây dựng "Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030". Bước đầu, tỉnh đã xây dựng được vùng dược liệu tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Một số sản phẩm từ dược liệu của Kon Tum đã được thị trường đón nhận. Việc phát triển dược liệu đã góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Võ Trung Mạnh, huyện Tu Mơ Rông hiện có 11 xã thì 10 xã trồng được sâm Ngọc Linh, có 6 xã được cấp chỉ dẫn địa lý. "Với huyện, xác định con đường thoát nghèo bền vững đó là quản lý bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch. Từ năm 2020 đến nay, chúng tôi phát triển cây dược liệu, trong đó cây sâm là cây trọng tâm và cây thứ hai là đảng sâm - sâm dây. Đây là loại cây phổ thông, dễ trồng, giá rẻ, chế biến được nhiều món ăn.

Người dân hiện nay chuyển đổi nhận thức từ "xin, cho", đặc biệt trong năm 2022, người dân vay 39 tỷ để làm vốn trồng cây sâm Ngọc Linh; riêng năm 2023, người dân vay gần 80 tỷ để trồng và phát triển loại cây này, chưa nói tới dược liệu khác", Chủ tịch huyện nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Mạnh, bà con còn tự trồng lại những cánh rừng vốn trước đây phát đi để làm rẫy, riêng năm 2023, bà con trồng 90ha để phủ xanh và trồng dược liệu. Liên quan đến du lịch, từ con số không, địa phương không ai biết đến, nhưng nhờ cây sâm, huyện đẩy mạnh truyền thông nên đã được nhiều người biết đến. Đã có 7 đoàn khách quốc tế và 10 nghìn người đến với huyện (năm 2023), cho dù con số này còn khá khiêm tốn.

"Để thực hiện được mục tiêu quản lý bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch, huyện huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng để người dân có an sinh trong quá trình trồng và bảo vệ rừng; đẩy mạnh kêu gọi xúc tiến đầu tư, hơn 10 nhà đầu tư đã tới trong năm 2023 - mua sâm chế biến sản phẩm; phát triển các điểm du lịch gắn với trải nghiệm cây sâm, một sản phẩm khác biệt mà chỉ có Tu Mơ Rông và Quảng Nam có", ông Mạnh nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, chỉ cây sâm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh mới có hiệu suất và chất lượng đảm bảo. Hoạt động bảo tồn nguồn gene cây sâm cũng đã được huyện tính đến với sự tham gia của nhiều đơn vị khác. Để khai thác hết tiềm năng của nhiều loại dược liệu quý, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Chỉ thị về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, nhằm mở rộng diện tích trồng các loại dược liệu quý, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tăng thêm tỷ lệ thoát nghèo. Theo ông Mạnh, dự tính huyện sẽ phát triển thêm diện tích trồng sâm, hướng tới là 18.000 ha, tương lai sẽ giảm tỷ lệ thoát nghèo xuống thấp hơn nữa.

Trần Hằng
.
.
.