Chuyện người quản lý

Đừng sợ đến sau không ‘chen chân’ vào được

Chủ Nhật, 22/03/2015, 11:14
Trước việc Việt Nam đang đàm phán tích cực 7 Hiệp định thương mại tự do với các đối tác rất lớn như TPP, EU, Liên minh Hải quan Nga – Kazakhstan – Belarus… trong đó có những Hiệp định được coi là mẫu mực cho thế kỷ 21 như TPP, chiều 20/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm với các chuyên gia về vấn đề này. Câu hỏi lớn đặt ra vẫn là liệu Việt Nam có trở thành thị trường tiêu thụ, thành công xưởng của thế giới hay không, hay sẽ tận dụng được cơ hội và vượt lên?

Tham gia buổi toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam cho biết, trong các Hiệp định đang đàm phán, Hiệp định với liên minh hải quan và với Hàn Quốc đang trong giai đoạn rà soát pháp lý để tiến hành ký kết; Hiệp định với EU cũng đang tiến triển khá tốt, dự kiến sẽ kết thúc đàm phán trong một vài tháng tới.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định: “Chưa bao giờ Việt Nam có nỗ lực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nhiều như vậy trong một quãng thời gian không dài” và điều này thể hiện một “tinh thần Việt Nam” rất rõ nét. “Trong năm 2015, chắc chắn Việt Nam sẽ toàn tất được một số FTA để chúng ta có một khuôn khổ mới cho một công cuộc phát triển ở mức độ hội nhập rất cao. Tuy nhiên, giữa việc đàm phán hội nhập với việc chuẩn bị để thực sự hội nhập rất khác nhau".

Cho rằng nỗi lo trước hội nhập là một nỗi lo chính đáng, khi năng lực tự thân của chúng ta còn rất yếu và sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ hàng đầu thế giới, trình độ hơn nhiều thì ta rõ ràng có nguy cơ trở thành công xưởng, làm thuê, thị trường tiêu thụ hộ. Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, nên chấp nhận thách thức của hội nhập như là một cơ hội để tạo áp lực buộc phải cải cách.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ quan điểm: Người làm kinh doanh quan niệm “no risk – no return” (nghĩa là không chấp nhận rủi ro sẽ không có thành quả), bản thân kinh doanh là quá trình xông vào rủi ro. Những người tính toán đúng, quản trị đúng là những người thành công và có lợi nhuận. Chúng tôi quan tâm là các FTA có mở thêm thị trường hay không, và rõ ràng câu trả lời là có. Tất nhiên có hàng ra sẽ có hàng vào. Nhưng sau một thời gian tham gia WTO, động lực tăng trưởng mới không còn nhiều, động lực việc làm mới, công nghiệp hoá cũng vậy. Chính FTA tạo ra động lực mới, tạo ra sự tăng trưởng, là cơ hội tạo ra động lực tiếp tục đổi mới đất nước.

Tự tin vào khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng của Việt Nam như dệt may, da giày; cùng với những chuyển biến rất tích cực trong kinh tế mới đây như việc Việt Nam vươn lên trở thành một trong những nhà xuất khẩu điện thoại hàng đầu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết đừng có tâm lý e ngại đến sau sẽ không “chen chân” vào được.

Quá khứ đã chứng minh điều ngược lại. Ví dụ thị phần dệt may của Trung Quốc ở Mỹ đã giảm xuống, trong khi thị phần của Việt Nam tăng từ 3% lên 10%, phần lớn trong số đó ta lấy của Trung Quốc. Đơn hàng và dây chuyền cung ứng dịch chuyển về Việt Nam và sẽ còn dịch chuyển mạnh hơn khi các rào cản được hạ xuống. Chúng ta đứng đầu thế giới trong xuất khẩu gạo, tiêu, dệt may, da giày và sắp tới sẽ là điện thoại từ việc Samsung, NOKIA, LG, Fuji Xerox… tuyên bố đầu tư vào Việt Nam. Khi rào cản giảm xuống sẽ có lợi thế và nguồn lực sẽ chảy vào lợi thế.

Dù tự tin, nhưng ông Lê Tiến Trường cho rằng chỉ những DN có chuẩn bị tốt mới có thể tận dụng được cơ hội này.

Nam Phương
.
.
.