Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng:

Đừng đổ lỗi cho người nông dân

Thứ Năm, 21/05/2015, 08:41
Trước câu chuyện ùn ứ, giảm giá nông sản đang nóng trong thời gian gần đây, trao đổi với PV Báo CAND và một số báo khác bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, không nên trách người nông dân, mà có trách thì trách các cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm tròn nhiệm vụ.

PV: Thưa Bộ trưởng, việc ùn ứ nông sản hiện nay khiến nhiều người đang đặt ra dấu hỏi về vai trò của thương mại trong tiêu thụ nông sản. Phải chăng Bộ Công Thương chưa làm tốt trách nhiệm này?

Bộ trưởng (BT) Vũ Huy Hoàng: Trong vấn đề nông sản, rất nhiều cơ quan tham gia chứ không chỉ có thương mại. Đầu tiên phải đi từ quy hoạch, từ sản xuất. Cơ quan Nhà nước phụ trách lĩnh vực đó phải có hướng dẫn, trồng cây gì, con gì để tiêu thụ được, kể cả trong nước chứ không chỉ có xuất khẩu. Câu chuyện bố trí sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là quan trọng nhất, sau đó mới đến tiêu thụ. Bộ Công Thương được giao trách nhiệm tìm thị trường xuất khẩu, và đã thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Ví dụ xúc tiến thương mại, đàm phán tham gia các Hiệp định thương mại tự do. Vừa qua, trong khá nhiều Hiệp định mình đã đàm phán, ký kết, tiêu chí để được xem là thành công trong đàm phán là việc đối tác chấp nhận mở cửa thị trường cho nông sản của Việt Nam đến đâu. Thứ ba là bằng những giải pháp được phép, chúng ta bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước. Đối với những mặt hàng rất nhạy cảm, chúng ta tìm cách bảo lưu; những mặt hàng không nhạy cảm lắm, nhưng cạnh tranh khá yếu thì chúng ta duy trì thời gian đủ để người nông dân Việt Nam vươn lên, đứng vững được cho đến khi chúng ta mở cửa. Hiện nay, chúng tôi đang làm việc đó.

Tuy nhiên, rõ ràng trong thời gian vừa qua tiêu thụ sản phẩm còn khá nhiều vấn đề, đầu tiên là phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các khâu về quy hoạch, về hướng dẫn người nông dân, tìm kiếm thị trường. Chúng ta không thể trách người nông dân được, bởi vì người nông dân vốn dĩ phải vì cuộc sống, thấy cái gì có lợi theo chủ quan của người ta thì người ta làm. Có trách là trách các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó ngành Công Thương cũng có trách nhiệm.

Mỗi một người, mỗi một cơ quan, đơn vị cần xem xét xem mình đã làm cái gì, làm tham mưu cho Chính phủ, Nhà nước thế nào, hướng dẫn cho người dân ra sao để các biện pháp tham mưu của mình hiệu quả hơn. Nhưng mặt khác, với tư cách cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi cũng rất mong người nông dân chủ động hơn, coi trọng những hướng dẫn, tư vấn của các cơ quan quản lý Nhà nước, đừng quá chạy theo mong muốn chủ quan của mình.

PV: Thưa Bộ trưởng, một trong những biện pháp bảo vệ thị trường chính là việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật, nhưng dường như trong thời gian qua chúng ta chưa xây dựng được nhiều tiêu chuẩn này.

BT Vũ Huy Hoàng: Việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật là các biện pháp WTO cho phép các nước làm, bởi vì trước hết những sản phẩm nông nghiệp liên quan trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, cần phải kiểm tra rất chặt chẽ.

Trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, trong đó có chúng tôi xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đó. Nhưng riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nội dung này chủ yếu thuộc về trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và Bộ KH&CN, và hai bộ này cũng đã làm được khá nhiều việc, nhất là ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm nuôi trồng như tôm, cá. Nhưng một mặt nữa cũng phải tính đến điều này, theo quy định của WTO, khi một quốc gia ban hành một tiêu chuẩn kỹ thuật với hàng hoá, thì tiêu chuẩn đó áp dụng chung cả với sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu. Vì vậy trong không ít trường hợp chúng ta phải xử lý tình huống này.

Người sản xuất Việt Nam vốn nhỏ lẻ, manh mún, có thể không biết thông tin, không được hướng dẫn cụ thể nên đôi khi họ vô thức trong sử dụng một số loại hoá chất không cho phép áp dụng trong quá trình sản xuất. Việc đó cũng lại một lần nữa đòi hỏi các cơ quan quản lý của Việt Nam phải làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích, kiểm tra, kiểm soát và người sản xuất cũng cần có ý thức hơn trong việc sản xuất. Bởi sản phẩm họ làm ra trước hết cũng cung cấp cho người tiêu dùng Việt Nam rồi mới xuất khẩu.

PV: Trong mấy tháng đầu năm nay, tiêu thụ nông sản có tình trạng cung vượt cầu. Vậy chúng ta cần giải quyết bài toán này như thế nào?

BT Vũ Huy Hoàng: Thực ra tình trạng ùn ứ một số mặt hàng ở cửa khẩu không phải bây giờ mới xảy ra. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng với các sản phẩm nông nghiệp mà chúng ta đã có quy hoạch, hay có kế hoạch dài hạn thì không xảy ra tình trạng này. Chẳng hạn như lúa, chúng ta đang duy trì diện tích trồng lúa ở mức 3,8 triệu  ha/năm, sản lượng không có chuyện tăng đột biến, vì thế chúng ta tương đối chủ động trong tính toán cung cầu và tìm kiếm thị trường.

Tương tự là mặt hàng cafe, gần như không có tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu tiêu thụ… trừ khi năm đó cả thế giới được mùa. Về dưa hấu, theo tôi được biết hiện chưa có quy hoạch diện tích trồng trên cả nước. Mặt khác dưa hấu là loại cây dễ trồng, ngắn ngày nên người dân tận dụng giữa 2 vụ lúa để trồng tăng thu nhập. Chúng tôi đã kiểm tra nhiều lần tại cửa khẩu, không phải Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, mà không ít trường hợp thương lái của ta mang lên đây không có hợp đồng trước, không có chọn lọc kỹ càng; rồi khu vực tập kết ở cửa khẩu của phía Trung Quốc có diện tích rất chật chội, chỉ chứa được khoảng 350-400 xe/ngày, trong khi chúng ta đưa lên hàng nghìn xe, dẫn đến ùn tắc. Việc này đã được cảnh báo, nhưng không phải ai cũng biết thông tin. Đây cũng là một bài học.

Tôi nghĩ rằng với vấn đề này đầu tiên chính quyền địa phương và các Bộ, ngành liên quan phải làm tốt công tác thông tin cho người nông dân; phải vận động kết nối giữa người nông dân với thương lái, với các doanh nghiệp tiêu thụ, các trung tâm thương mại, siêu thị… vì chúng ta vẫn tiêu thụ dưa hấu trong nước là chính. Nếu tiêu thụ trong nước tốt thì chắc chắn không xảy ra vấn đề này.

Vũ Hân
.
.
.