Đưa việc khai thác cát vào hợp tác xã
Theo ông Võ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), những năm qua, do không có công việc ổn định nên nhiều hộ dân ở thôn Cổ Bi, Tứ Chánh... sống gần sông Bồ buộc phải lấy nghề khai thác cát lậu để mưu sinh. Cứ đêm xuống, cả khúc sông qua địa bàn xã ầm ầm tiếng thuyền máy chạy hút cát. Thậm chí, vì tranh giành lãnh địa nên đã xảy ra không ít vụ đánh nhau, gây mất ANTT địa bàn.
Trước tình hình này, đầu năm 2015, xã Phong Sơn kiến nghị lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xin thành lập mô hình khai thác cát cộng đồng và được đồng ý. Điểm khai thác cát rộng 2,4ha nằm ở khu vực bãi bồi Khe Băng trên sông Bồ được tỉnh cấp phép cho HTX Sông Bồ quản lý và khai thác…
Dẫn chúng tôi ra mép sông Bồ, nơi có hàng chục công nhân trên 20 đò máy đang cần mẫn hút cát từ dưới lòng sông lên, ông Phan Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm HTX Sông Bồ cho hay, sau khi được tỉnh cấp phép, HTX vận động nhiều hộ dân vốn làm nghề khai thác cát “lậu” trên địa bàn gia nhập vào HTX. Đến nay, HTX nhận trên 50 hộ dân là chủ ghe, đò vào hoạt động khai thác cát đúng theo quy định của Nhà nước. “Dù chưa chấm dứt được tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Bồ, nhưng cũng đã hạn chế được phần nào nhờ mô hình này”, ông Tuấn khẳng định.
Điểm khai thác cát cộng đồng của HTX Sông Bồ (xã Phong Sơn). |
Ông Nguyễn Hồng Lợi (50 tuổi, trú thôn Cổ Bi, xã Phong Sơn) từng khai thác cát trái phép, tâm sự: “Do cuộc sống trên sông nước khó khăn, gia đình lại đông con nên đành chấp nhận làm “cát tặc” để kiếm sống qua ngày. Hồi trước, do sợ bị lực lượng chức năng bắt giữ nên tui thường hay hút trộm cát ở gần bờ vào ban đêm, dù biết sẽ gây sạt lở đất đai, hoa màu; nhưng bây giờ chiếu theo quy định HTX thì mỗi ngày chỉ hút được 2 chuyến cát, cách bờ 50m. Mỗi sáng, trước khi ra bãi đều qua Ban quản lý HTX làm thủ tục và nhận phiếu khai thác nên không còn lo sợ bị phạt, thu nhập cũng khá hơn trước”.
Ông Sơn khẳng định: “Nhờ có mô hình khai thác cát cộng đồng mà trên 50 hộ dân làm nghề khai thác cát trên địa bàn xã đã “quay đầu” làm ăn lương thiện. Đặc biệt, không còn nhiều vụ rượt đuổi, đâm chém trên sông khi tranh giành địa phận hút cát”.
Qua tìm hiểu được biết, mô hình khai thác cát cộng đồng trên sông Bồ còn được phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) đăng ký thực hiện và đem lại hiệu quả cao. Khu vực khai thác cát này được quy hoạch cách cầu Hiền Sĩ 150m về phía thượng nguồn đến bãi bồi Lại Bằng với chiều dài 1,4km, diện tích khai thác hơn 10ha, trữ lượng khai thác trong một năm là 160.000m³.
Anh Nguyễn Văn Trang, thành viên tổ giám sát, Ban Quản lý khai thác cát Hương Vân thông tin thêm: Hiện toàn phường có 60 ghe đò đã đăng ký khai thác cát cộng đồng ở bãi bồi Lại Bằng. Trung bình mỗi ngày, tổ xuất khoảng 45-50 phiếu, các thuyền phải khai thác cách bờ sông 60m, nộp đầy đủ các khoản thuế, phí theo quy định.
Ông Nguyễn Xuân, Chủ tịch UBND phường Hương Vân, nhận định: “Hiện mô hình khai thác cát cộng đồng đã giải quyết được công ăn việc làm cho 200 lao động địa phương, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép. Đặc biệt, trong năm 2014, mô hình này đã đem lại cho ngân sách địa phương 2,2 tỷ đồng khi các hộ khai thác có nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên và phí môi trường 11.000 đồng/m³”.
Nói về 2 mô hình khai thác cát cộng đồng trên, ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề cập đến những hiệu quả cụ thể. Cụ thể đã giúp địa phương dễ dàng quản lý số ghe đò khai thác cát, chống thất thu thuế tài nguyên, góp phần giúp người dân có kế sinh nhai, ổn định cuộc sống và hạn chế được tình trạng sạt lở bờ sông.
Tuy nhiên, theo ông Quyết, trong thời gian qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Hương, sông Bồ vẫn chưa được ngăn chặn triệt để nên ngoài việc quản lý tốt mô hình khai thác cát cộng đồng thì các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý mạnh tay các ghe thuyền hoạt động khai thác cát trái phép.