Đủ loại phí, lệ phí đang 'đè' lên người nông dân

Thứ Hai, 12/01/2015, 12:18
Quyết tâm của Bộ NN&PTNT đã thấy rõ trong công tác dẹp loạn “giấy phép con” và đủ loại phí, lệ phí đang đè lên đầu người nông dân, tính vào những con gà, quả trứng… Tuy nhiên, quyết tâm này phải được hệ thống cơ quan cấp dưới thực thi một cách nghiêm chỉnh.

Theo thông tin được chia sẻ trong buổi tọa đàm “Kết quả sơ bộ rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW tổ chức, Bộ NN&PTNT đứng thứ 2 trong số các bộ, ngành về “giấy phép con” với 58 điều kiện kinh doanh. Rồi trong các buổi làm việc với chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nông dân, đại diện HTX, doanh nghiệp cũng nêu nhiều vướng mắc tại cơ sở đang kìm hãm sản xuất nông nghiệp.

Không dưới một lần, lãnh đạo ngành Nông nghiệp hứa sẽ giảm “giấy phép con”, giảm phiền hà cho người dân nhưng dường như quyết tâm này mới dừng lại ở cấp… rất cao. Bức xúc trước sức ì của cấp dưới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thúc: “Lãnh đạo Tổng cục, các Cục là “tư lệnh” thì phải làm ngang tầm, đừng để Bộ trưởng phải đốc thúc. Có việc Bộ trưởng chỉ đạo 3-4 tháng mà không hành động, tình trạng này phải chấm dứt”...

Tại buổi làm việc tuần qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã biểu dương Cục Bảo vệ thực vật khi giảm thời gian thông quan kiểm dịch hàng hóa xuất nhập khẩu ở trên bộ từ 11 giờ xuống còn 5 giờ; ở trên biển giảm từ 25 giờ xuống còn 11 giờ.

Ảnh minh họa.

Một ví dụ khác mà Bộ trưởng nêu ra như một minh chứng cho việc đơn giản thủ tục hành chính, giảm thời gian, tiền bạc và công sức cho nông dân, đó là việc Cục Trồng trọt ban hành VietGAP cơ bản với 26 tiêu chí, giảm hơn nửa số tiêu chí so với quy định của VietGAP (65 tiêu chí). Việc giảm này không chỉ giúp cho người dân dễ thực hiện mà còn làm giảm phân nửa chi phí.

Thế nhưng, những “điểm sáng” về cải cách thủ tục để “có lợi cho dân” trong ngành Nông nghiệp còn khá “le lói”. Một lĩnh vực mà theo Bộ trưởng “đã chỉ đạo nhiều lần tại các cuộc họp giao ban nhưng đến nay chưa chuyển”, đó là Cục Thú y.

Cục này nổi tiếng dư luận về những quy định chẳng giống ai, rất khó thực thi. Chủ nhiệm một HTX chăn nuôi ở Lào Cai đã từng than thở với Bộ trưởng rằng, người dân và HTX muốn làm ăn đứng đắn cũng khó vì lực lượng thú y chỉ cấp phép vận chuyển trứng trong vòng 1 ngày. Những người chăn nuôi gà cũng “kêu trời” vì quy định muốn bán gà thì phải tập trung ra một khu cách ly 2-3 ngày. Những quy định trái khoáy này đã khiến không ít người dân, doanh nghiệp có tâm lý “ngại thú y”.

Trước những bức xúc của người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát đốc thúc lãnh đạo Cục Thú y rằng: “Bao giờ những quy định bất hợp lý của Thông tư 04 được sửa?”. Nghe đại diện lãnh đạo Cục này trả lời “ngày mai” sẽ rà soát lại Thông tư 04 để trình Bộ trưởng, đồng thời cũng sẽ tiến hành sửa đổi Quyết định 14 liên quan đến việc vận chuyển, cách ly và rà soát, sửa luôn Thông tư về mật ong, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn luôn: “Tôi sẽ “ốp” ông từng tuần, khi nào bật ra mới thôi”.

Quyết tâm của Bộ NN&PTNT đã thấy rõ trong công tác dẹp loạn “giấy phép con” và đủ loại phí, lệ phí đang đè lên đầu người nông dân, tính vào những con gà, quả trứng… Tuy nhiên, quyết tâm này phải được hệ thống cơ quan cấp dưới thực thi một cách nghiêm chỉnh. Nếu không thì Bộ trưởng dù có “trăm mắt trăm tay” cũng không thể “ốp” hết các Tổng cục, Cục, Vụ. Chưa nói đến hệ thống tại địa phương vốn nổi tiếng ì trệ.

Chi Linh
.
.
.