Đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế vươn lên thoát nghèo

Thứ Ba, 19/09/2023, 08:29

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và 3 huyện, thị xã gồm Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà có đồng bào DTTS với hơn 54.000 nhân khẩu là người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy… chiếm 4,9% dân số toàn tỉnh.

Dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng và chính quyền, nhiều địa phương miền núi ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện có hiệu quả những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó giúp người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Hieuqua-1695087004031.JPG
Cuộc sống người dân thay đổi tích cực nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016-2022, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dựa trên các chính sách này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều kế hoạch để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch giao vốn. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS tại Thừa Thiên Huế đạt hơn 23,5 tỷ đồng; vốn kế hoạch năm 2023 giải ngân được hơn 9,6 tỷ đồng.

Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, việc thực hiện chính sách dành cho đồng bào DTTS ở địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Qua tìm hiểu của PV Báo CAND, tại huyện miền núi A Lưới hiện có nhiều đồng bào DTTS chung sống thuộc dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… với hơn 75% dân số toàn huyện. Được thụ hưởng đầy đủ các chính sách đối với vùng DTTS, người dân nơi đây dần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ dân trở thành tấm gương sáng trong đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương.

Điển hình như anh Hồ Thanh Phương, người dân tộc Pa Cô ở thôn Đút 1, xã Hồng Kim (huyện A Lưới) với mô hình nuôi cá tầm đầu tiên tại miền núi nơi đây. Từ năm 2019, anh Phương tận dụng nguồn nước tự chảy từ thác A Nor, sau đó đào ao, lót bạt và thả nuôi giống cá tầm Siberi. Qua nhiều lần nuôi thử nghiệm và thất bại, anh Phương rút ra bài học kinh nghiệm, cộng với tham khảo kiến thức nuôi cá tầm qua nhiều kênh thông tin để xây dựng mô hình nuôi cá tầm hoàn chỉnh, phù hợp. Từ năm 2021, anh Phương tiếp tục đầu tư hệ thống nước tự chảy, xây thêm 5 ao cá với diện tích gần 700m2 để thả nuôi 2.000 con giống cá tầm. Khi cá nuôi có trọng lượng đạt từ 1,7 đến 3kg/con thì anh Phương xuất bán, trừ các khoản chi phí, mỗi vụ nuôi anh Phương đều có lãi.

Hay như mô hình hợp tác xã (HTX) thổ cẩm xanh A Lưới do nghệ nhân Mai Thị Hợp (ở xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) làm chủ nhiệm đã thu hút nhiều xã viên là chị em phụ nữ tại địa phương tham gia. Nhiều năm qua họ đã cùng nhau lao động và dệt nên những tấm dèng thổ cẩm có hoa văn đẹp mắt, tinh xảo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài theo đơn đặt hàng. Đến nay, HTX này có hơn 100 chị em phụ nữ có tay nghề dệt dèng và tạo ra tổng doanh thu đạt 350 triệu đồng/năm.

“Thông qua các chính sách dành cho đồng bào DTTS và những chương trình khuyến công, đào tạo nghề để phục hồi nghề dệt dèng truyền thống nên hiện nay, không những chị em ở HTX mà nhiều phụ nữ ở các bản làng tại địa phương đã lấy nghề dệt dèng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ vào nghề dệt dèng khi sản phẩm dèng truyền thống được thị trường và du khách ưa chuộng. Đặc biệt trong định hướng phát triển các làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025, dệt dèng nằm trong số 13 làng nghề tiêu biểu của tỉnh được lựa chọn để bảo tồn lâu dài. Đây chính là cơ hội lớn đối với những người làm nghề dệt dèng ở miền núi A Lưới”, bà Mai Thị Hợp chia sẻ.

Ngoài chăm lo đời sống, giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, những năm qua, thông qua các chính sách kể trên, tỉnh Thừa Thiên Huế còn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi với 96 công trình giao thông, 8 công trình nước sinh hoạt, 9 nhà sinh hoạt cộng đồng, 7 công trình thủy lợi và một số công trình khác được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tỉnh cũng đã xây dựng hoàn thành 7 công trình định canh định cư và khởi công xây mới 6 hạng mục công trình thuộc các điểm định canh định cư để giúp đồng bào DTTS tại các địa phương có nơi ăn chốn ở ổn định.

Nhờ vậy nên tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi ở tỉnh Thừa Thiên Huế giảm 9,84% (giảm từ 40,23% xuống còn 30,39%), riêng huyện A Lưới giảm 12,08% (giảm từ 52,79% xuống còn 40,71%). Thu nhập bình quân đầu người tại huyện A Lưới đạt 31 triệu/năm, huyện Nam Đông đạt 49,3 triệu/năm.

“Những chính sách dành cho đồng bào DTTS thực sự đã đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. Thông qua chính sách, các thôn, bản miền núi ở tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng đường giao thông, đạt chỉ tiêu trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; nước sinh hoạt hợp vệ sinh đảm bảo cho hộ gia đình sử dụng.

Ngoài ra đã giải quyết được tình trạng du canh, du cư tự do. Đặc biệt thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã tác động tích cực đến ý thức và thay đổi hành vi của người dân vùng đồng bào DTTS trong thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, bảo vệ môi trường. Từ đó tạo điều kiện để người dân nỗ lực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”, ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ và khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.