Lao động nữ đi xuất khẩu lao động giúp việc gia đình:

Đối mặt với nhiều nguy cơ bị lạm dụng, bóc lột

Thứ Bảy, 27/06/2015, 13:23
Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan: thông tin về các doanh nghiệp đưa đi...

Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, trong những năm gần đây, phụ nữ chiếm khoảng 30% trong số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, và theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), con số này trong năm 2014 lên tới 37,5%. Trong số đó, tỷ lệ lao động giúp việc gia đình cũng chiếm phần không nhỏ. 

Theo đánh giá của ILO, lao động giúp việc làm việc tại nước ngoài dễ bị bóc lột, lạm dụng. Tổ chức này cũng khuyến cáo, điều quan trọng hiện nay là cần xem xét về những thách thức, khó khăn có thể xảy ra khi số lượng lao động giúp việc gia đình đi làm việc ở nước ngoài tăng lên.

Lao động giúp việc khiếu nại ngày càng tăng

Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới được công bố, nguyên nhân nữ giúp việc gia đình làm việc ở nước ngoài rất dễ bị bóc lột và lạm dụng là bởi môi trường làm việc dễ bị rủi ro, cô lập và bị lạm dụng, bị chủ nhà thu hoặc khấu trừ một khoản đáng kể từ tiền lương cho chi phí ăn, ở, bị từ chối quyền riêng tư và hạn chế tiếp xúc với gia đình. Đây là vấn đề nhiều nữ giúp việc đi xuất khẩu lao động dễ phải đối mặt.

Một nguyên nhân nữa cũng đáng phải lưu ý là người giúp việc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài thường không được luật lao động của quốc gia tiếp nhận bảo vệ. Điều này khiến họ bị xem là tầng lớp lao động thấp kém dẫn tới càng dễ bị lạm dụng. Theo ghi nhận của ILO, khu vực châu Á có tới 61% người giúp việc không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật pháp các nước tiếp nhận, tỷ lệ này tại Trung Đông lên đến 99%.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, không ít doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong khâu tuyển dụng, đào tạo lao động giúp việc.

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong số 16.000 lao động Việt Nam đang làm việt tại Ả rập Xê út, có khoảng 5.000 lao động là giúp việc gia đình. Số liệu của đơn vị này cho thấy, trong năm 2014 đã có 60 trường hợp lao động Việt Nam làm việc tại Ả rập Xê út khiếu nại.

Trong thời gian gần đây, số lao động làm việc tại thị trường này có khiếu nại ngày càng tăng lên. Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2015, đã có 50 trường hợp lao động làm việc tại đây khiếu nại. 80% trong số các khiếu nại là từ lao động giúp việc gia đình.

Theo đánh giá của ILO, số liệu này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh đã có hàng loạt báo cáo về điều kiện làm việc tồi và các vụ việc lạm dụng lao động giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út. Theo ILO, thực tế này cho thấy cần phải đặc biệt lưu ý đến việc quản lý hoạt động tuyển dụng trong khuôn khổ Bản ghi nhớ đã ký kết.

Tuyển dụng và đào tạo lỏng lẻo

Thời gian qua, vấn đề lao động giúp việc Việt Nam bị bóc lột, lạm dụng tại thị trường Ả rập Xê út là có thật, theo như thừa nhận của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH). Qua xác minh cho thấy, có những thông tin người lao động đưa ra là đúng sự thật, như giờ làm việc kéo dài, do đặc thù của công việc giúp việc gia đình; thực phẩm không đảm bảo dinh dưỡng, do sự khác biệt với Việt Nam nên lao động ta không quen và không ăn được...

Trên cơ sở xác minh vụ việc, đơn vị này đã chỉ đạo doanh nghiệp đưa đi can thiệp để chủ sử dụng thực hiện đúng hợp đồng, hoặc chuyển nơi làm việc cho người lao động. Với lao động không đủ sức khỏe thì phải đưa người lao động về nước và thanh lý hợp đồng theo đúng quy định.

Theo đánh giá của Cục Quản lý lao động ngoài nước, nguyên nhân chủ yếu là một số doanh nghiệp tuyển chọn chưa kỹ, vẫn đưa đi một số lao động không phù hợp với công việc giúp việc gia đình. Người lao động chỉ được đào tạo, giáo dục định hướng trong thời gian ngắn nên hạn chế về giao tiếp với chủ, khó hòa nhập với môi trường sống, làm việc tại quốc gia có văn hoá khác biệt với Việt Nam. Từ đó phát sinh tâm lý chán nản, đòi về nước trước hạn.

Bên cạnh đó, nhận thức của người lao động còn hạn chế, tâm lý muốn đi làm việc nhanh, không chịu học, không tìm hiểu kỹ điều kiện hợp đồng trước khi đi. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là qua những vụ việc phát sinh, ngoài sự thiếu hiểu biết của người lao động thì có thể thấy không ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động còn lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong khâu tuyển dụng, đào tạo người lao động. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, quan trọng hơn là lỗi của doanh nghiệp đưa đi.

Một số doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc công tác đào tạo ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Dẫn tới người lao động hạn chế trong giao tiếp với chủ sử dụng và bị sốc văn hóa, dẫn đến tâm lý chán nản và muốn về nước.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan: thông tin về các doanh nghiệp đưa đi (đã được cấp phép chưa); thông tin về hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài (đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện chưa); thông tin và pháp luật liên quan của Việt Nam và nước đến làm việc, và thông tin về văn hóa, phong tục tập quá, thực phẩm... tại nước đến làm việc.

Phan Hoạt
.
.
.