Chuyện người quản lý

Doanh nghiệp cần chủ động xác lập quyền, tránh thành nạn nhân của hàng giả

Thứ Bảy, 25/04/2015, 11:34
Sau năm 2018, khi hàng rào thuế nhập khẩu được hạ xuống, không còn động cơ buôn lậu, nguy cơ Việt Nam trở thành vùng trũng của hàng giả hàng nhái đã được đề cập đến nhiều lần. Tuy nhiên, từ trước tới nay, việc chống xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) luôn là công việc rất phức tạp, đặc biệt khi hiểu biết của người dân còn chưa cao, doanh nghiệp (DN) kém hợp tác và trình độ chuyên môn của lực lượng chức năng còn hạn chế.

Những nhược điểm này đã được đề cập đến trong cuộc toạ đàm “Chống hàng giả, hàng nhái: Nhìn từ góc độ sở hữu trí tuệ” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 24/4.

Trên thực tế chống hàng giả hàng nhái thời gian vừa qua của lực lượng chức năng Việt Nam, có rất nhiều vụ việc không xử lý được do không có sự vào cuộc của DN bị xâm hại. Đơn cử vụ việc bắt 8 tấn vỏ bao nilong giả của 1 sản phẩm bột ngọt, nhưng DN bị hại lại rất thờ ơ.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc DN sợ tên mình bị nhắc đến trong các vụ bắt hàng giả sẽ khiến người dân tẩy chay, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Nguyên nhân khách quan là đối tượng phát đơn khiếu nại đề nghị tranh chấp, cơ quan chức năng cho rằng đã có tranh chấp thì không xử lý nữa. Cũng có trường hợp những thương hiệu bị xâm hại chưa có đại diện ở Việt Nam nên chưa phối hợp được với cơ quan chức năng hay một số DN vừa và nhỏ còn e ngại. Việc xử lý không tốt tình trạng này cũng có thể làm xấu môi trường đầu tư ở Việt Nam, khiến các nhà sản xuất, nhà đầu tư không muốn đổ vốn vào vì lo ngại bị xâm hại.

Các DN lớn thường rất có ý thức về bảo vệ quyền SHTT, như ông Trần Hữu Nam – Phó Cục trưởng Cục SHTT dẫn trường hợp Coca Cola, từ khi Mỹ chưa bỏ cấm vận Việt Nam, và chúng ta cũng chưa có quy định về đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, DN này đã nộp thủ tục xác lập quyền. Hay như Honda, khi có bất kỳ nhãn hàng nào mới, họ cũng kịp thời xin bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam. Với sự chủ động này cùng sự vào cuộc của các lực lượng chức năng Việt Nam, tình trạng xe Trung Quốc nhái kiểu dáng xe Wave, Dream tràn ngập trước đây đã bị chặn đứng.

“Chúng tôi đã đi khắp 63 tỉnh, thành làm việc với cơ quan chức năng cả Trung ương và địa phương giới thiệu cách xác định dấu hiệu xâm phạm quyền… tổ chức những buổi đào tạo cho DN tại địa phương. Mỗi năm cũng bắt được hàng ngàn xe vi phạm...” đại diện Honda cho biết. Cách làm như Honda cũng là điều cơ quan chức năng khuyến cáo các DN Việt Nam nên thực hiện, bởi nhiều bài học nhãn tiền về mất thương hiệu như café Buôn Ma Thuột, café Đắk Lắk đã từng diễn ra, mất rất nhiều công sức và tiền bạc để giải quyết các tranh chấp này.

“Là nước đang phát triển, nạn xâm phạm quyền SHTT không thể tránh khỏi. DN phải có biện pháp công nghệ với sản phẩm của mình, sớm chống lại nạn làm hàng giả, tăng cường kiểm soát, có dấu hiệu riêng để phân biệt trên sản phẩm và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật” – ông Dũng khuyến cáo.

Nam Phương
.
.
.