Để xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng

Thứ Ba, 03/01/2023, 08:58

Năm 2022, xuất nhập khẩu (XNK) là điểm sáng nổi bật của năm khi Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch XNK đạt khoảng 732,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu (XK) 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%, nhập khẩu 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với 2021, kiểm soát tốt các mặt hàng hạn chế nhập khẩu. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, số mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 10 tỷ USD (tăng hơn 1 mặt hàng so với năm 2021). Cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Kết quả tăng trưởng của XK năm 2022 chính là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp XK nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA nhanh chóng đẩy mạnh XK.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, mặc dù năm 2022 còn nhiều khó khăn song XK tiếp tục duy trì ấn tượng, tăng hơn 10%, Việt Nam đã vươn lên thứ 23 trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN về kim ngạch so với mục tiêu đề ra 8,5%, có quan hệ thương mại đầu tư với hơn 220 thị trường nước ngoài, mang lại nguồn ngoại tệ quan trọng trong ổn định tài chính tiền tệ và kinh tế vĩ mô trong nước.

3.jpg -0
Lạm phát tăng cao ở nhiều nước đã giảm sức mua, ảnh hưởng trực tiếp tới lượng đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Chia sẻ về kết quả kim ngạch XNK ấn tượng năm 2022, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc sớm ổn định và phục hồi sản xuất sau khi kiểm soát được dịch COVID-19 đã thúc đẩy phục hồi sản xuất và giao dịch. Đây là động lực rất lớn để tạo ra nguồn hàng cho các hoạt động XK cũng như nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để sản xuất. Đặc biệt, năm 2022, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thực sự phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI vẫn còn lớn khi kim ngạch XK của khối doanh nghiệp (DN) FDI, kể cả dầu thô, chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch XK, nên giá trị gia tăng trong XK chưa được như mong muốn. Tốc độ đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm (như rau quả) còn chậm nên chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết. Việc chuyển từ hoạt động XK tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm...

Theo ông Hải, mặc dù năm 2022, XNK khởi sắc nhưng bối cảnh mới hiện nay có nhiều khó khăn và biến động, những tác động tiêu cực chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Theo thông tin sơ bộ đánh giá từ một số ngành hàng, tình trạng đơn hàng đầu năm 2023 đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với các ngành hàng liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng như là dệt may, da giày. Do vậy, vấn đề đơn hàng, cũng như nguồn hàng XK tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Ông Trần Thanh Hải lưu ý, thời điểm hiện nay, yêu cầu bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết. Điều đó cũng phản ánh vào trong vấn đề sản xuất và thương mại hàng hóa, nên các DN cần chú trọng việc đảm bảo các tiêu chuẩn về xanh hóa các sản phẩm XK. Dù yêu cầu này có thể mới tác động đến một số nhóm DN lớn, nhưng những DN này lại có tác động đến thị trường, buộc những DN trong chuỗi cung ứng, trong đó có các DN gia công, sản xuất, XK của Việt Nam cũng chịu tác động là đặc điểm cần hết sức lưu ý.

Theo các chuyên gia, XK năm 2022 là điểm sáng và là nền tảng để năm 2023 bứt phá. Cùng với đó, năm 2023, ngành Công Thương cũng đặt mục tiêu XK hàng hóa tăng khoảng 6%; cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư. Có thể thấy, mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm tới được xác định sẽ gặp nhiều thách thức bởi từ quý IV/2022, thị trường tiêu dùng hàng hóa toàn cầu đã chậm lại thấy rõ, nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản lạm phát tăng cao đã giảm sức mua, ảnh hưởng trực tiếp tới lượng đơn hàng XK của Việt Nam. Do vậy, năm 2023 để duy trì được đà XK, ông Trần Thanh Hải cho rằng, bên cạnh các yêu cầu mới thì DN luôn phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá thị trường XK, đồng thời, tìm kiếm, mở rộng những thị trường mới mà chúng ta có nhiều tiềm năng, lợi thế trong cạnh tranh.

Phan Đức
.
.
.