Đẩy mạnh phân luồng để giảm tải cho cảng Cát Lái

Thứ Tư, 04/03/2015, 10:15
Để giảm tải cho cảng Cát Lái, từ cuối năm 2014, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã đưa cảng Tân Cảng - Hiệp Phước vào khai thác giai đoạn 1.

Trong năm 2014, các cảng biển và cảng cạn trung chuyển hàng hóa ở TP Hồ Chí Minh thực hiện thông quan được hơn 5 triệu container hàng hóa xuất nhập khẩu, chiếm khoảng 70% tổng lượng hàng container xuất, nhập khẩu của cả nước.

Riêng lượng container hàng hóa XNK do Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn thực hiện đã chiếm hơn 4,6 triệu container, tăng 22% so với năm trước; chiếm 85% lưu lượng container hàng hóa qua cảng khu vực TP Hồ Chí Minh và chiếm 50% tổng lưu lượng container hàng hóa qua các cảng biển của cả nước.

Tuy vậy, lượng container do Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn thực hiện lại chủ yếu tập trung về cảng Cát Lái khiến nguy cơ dồn ứ, tắc nghẽn hàng hóa thường trực tại cảng này. Ngoài chuyện kéo dài thời gian giao nhận hàng tại cảng, trên tuyến đường ra vào cảng Cát Lái, mật độ xe đầu kéo dày đặc khiến thời gian vận chuyển hàng hóa ra vào cảng của chủ hàng cũng lâu hơn. 

Để giảm tải cho cảng Cát Lái, từ cuối năm 2014, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã đưa cảng Tân Cảng - Hiệp Phước vào khai thác giai đoạn 1. Với cầu tàu có chiều dài 300m, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 5 vạn tấn và 253m bến sà lan, 12ha diện tích bãi chứa hàng, cùng hệ thống trang thiết bị đồng bộ đủ năng lực làm 8,85 triệu tấn hàng hóa đóng container và hàng tổng hợp mỗi năm.

Đi vào khai thác, cảng Tân Cảng - Hiệp Phước cũng có những chính sách để thu hút chủ tàu, chủ hàng và các đại lý tàu biển đến làm hàng, như: phí nâng hạ container, chính sách ưu đãi về thời gian lưu kho bãi.

Tại Tân Cảng - Hiệp Phước, thời gian kiểm tra, thông quan hàng hóa cũng chỉ bằng 1/3 so với các cảng khác. Đồng thời, phía các hãng tàu cũng sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí khi giao hàng tại đây do rút ngắn được gần 30 km hải trình khi đi qua luồng Soài Rạp.

Khai thác hạ tầng cảng biển không đồng đều tại khu vực TP Hồ Chí Minh.

Để hỗ trợ cảng Cát Lái trong việc giảm tải, Tổng Cục Hải quan cũng đã cho phép: Trong những trường hợp hết chỗ neo đậu tàu làm hàng hoặc hàng hóa tồn đọng gia tăng tại Cảng Cát Lái, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn được thực hiện việc đưa các tàu chở hàng nhập khẩu dự kiến cập cảng Cát Lái sang cảng Tân Cảng - Hiệp Phước. Được vận chuyển hàng hóa NK đã được dỡ xuống cảng Cát Lái đến Tân Cảng - Hiệp Phước để làm thủ tục hải quan tại đây.

Nhưng trong khi năng lực làm hàng tại Tân cảng Hiệp Phước sắp được nâng lên trong giai đoạn 2 với 120m cầu tàu, 8 ha bãi hàng và các phương tiện thiết bị tương ứng được đưa vào khai thác ngay trong tháng 4 sắp tới, thì sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, Tân Cảng - Hiệp Phước vẫn chưa thể phát huy hết năng lực làm hàng để giữ vai trò giảm tải mạnh hơn nữa cho cảng Cát Lái.

Tổng lượng hàng hóa qua các cảng ở TP Hồ Chí Minh năm 2014 đã đạt 109 triệu tấn, tăng đến tới 28 triệu tấn so với năm trước. Theo Cục Hải quan thành phố, năm ngoái đã có 10.193 lượt tàu biển xuất nhập cảnh vào các cảng. Nếu lượng hàng hóa, tàu bè trên được san sẻ nhiều hơn nữa cho hàng chục cảng khác trong khu vực, hoạt động XNK hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh sẽ khá thông thoáng; nguy cơ quá tải thường xuất hiện tại cảng Cát Lái sẽ chấm dứt.

Nhưng khi hầu hết lượng hàng hóa XNK đóng container ở khu vực TP Hồ Chí Minh đều đã dồn về cảng Cát Lái, vài chục cảng biển khác trong khu vực phải cạnh tranh gay gắt để chia sẻ thị phần ít ỏi còn lại: Cảng container trung tâm Sài Gòn có công suất thiết kế 1 triệu container/năm nhưng công suất khai thác chỉ đạt khoảng 1/3; cảng VICT làm được khoảng 570 ngàn container so với công suất thiết kế là 800 ngàn container mỗi năm; khu vực Cái Mép - Thị Vải dù có tới 25 cảng với 13 cảng container thì hiện cũng chỉ có khoảng 7-10% khách hàng thực hiện giao nhận hàng tại đây…

Hạ tầng cảng biển dư thừa trong khi hàng hóa XNK ở khu vực TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng đối mặt với nguy cơ quá tải, tắc nghẽn do chỉ dồn vào một số cảng. Các cảng biển dù đã đầu tư một vài ngàn tỷ đồng xây dựng hạ tầng, song đang phải chấp nhận thực trạng dần chuyển thành cảng trung chuyển hàng hóa nội địa, làm hàng cho xà lan trong điều kiện khó khăn, ngắc ngoải về thu hồi vốn đầu tư là nghịch lý trong vận hành, khai thác cảng biển hiện nay ở khu vực TP Hồ Chí Minh.
Đ.Thắng
.
.
.