Đầu tư nước ngoài tiếp đà phục hồi

Thứ Bảy, 02/03/2024, 08:47

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tính đến ngày 20/2/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong số này, vốn đầu tư đăng ký mới tăng mạnh. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, có 405 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 55,2% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc vốn đầu tư đăng ký mới 2 tháng đầu năm tăng mạnh là do tăng số lượng dự án mới (tăng 55,2%) và do có các dự án có quy mô vốn đầu tư lớn (hơn 400 triệu USD và hơn 600 triệu USD). Cùng với đó, 2 tháng qua, có 159 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 19,5% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 442,1 triệu USD. Đồng thời, có 367 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 255,4 triệu USD.

2.jpg -0
Môi trường đầu tư Việt Nam thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế.

Trong 2 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo của VCCI, cơ cấu các doanh nghiệp FDI đang có sự chuyển dịch sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, trong đó DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp/chế tạo chiếm tỷ lệ lớn nhất với 49,5%. Trước diễn biến của xu hướng đầu tư, theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử. Chất lượng dự án đầu tư có sự cải thiện đáng kể. Phần lớn các dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 64,2%). Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến…

Đây là một điểm rất tích cực, cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam vẫn thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế. Ngoài ra, làn sóng dịch chuyển, phân tán nguồn vốn của giới đầu tư trên phạm vi toàn cầu cũng là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều tập đoàn, công ty nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến nhằm đa dạng hóa địa bàn đầu tư để gia tăng cơ hội, né tránh rủi ro…

Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân lớn tạo nên sự thu hút dòng vốn FDI đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo là Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động đông đảo và chất lượng, kết hợp cùng chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường thông thoáng, an toàn…

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế. Thậm chí, trong một thời gian dài, ngành này luôn trở thành ngành dẫn đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Gần đây, nhiều DN ngành bán dẫn, công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, nổi bật là: Nvidia (Hoa Kỳ) cam kết đưa Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của Tập đoàn. Hana Micron (Hàn Quốc) khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD. LG Innotech (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử. Dự án xây dựng Nhà máy Goodway Việt Nam của Đài Loan (Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (tỉnh Thái Bình), sản xuất thiết bị kết nối, thiết bị ngoại vi của máy vi tính, với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD…

Kết quả khảo sát của JETRO về môi trường kinh doanh vừa được công bố vào tháng 1/2024 cũng cho thấy, trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56,7%. Cùng với đó, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit khẳng định: “Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng tăng, dữ liệu mới của năm 2023 củng cố thêm thông tin này. Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Đây là minh chứng rõ ràng cho niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế Việt Nam”.

Lưu Hiệp
.
.
.