Cần khắc phục một số bất cập về điều kiện kinh doanh trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020

Thứ Ba, 19/10/2021, 08:50

Tại hội thảo cải cách môi trường kinh doanh - góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều 18/10 tại Hà Nội, các chuyên gia, đại diện hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng, vẫn còn khá nhiều nội dung lớn không phù hợp với các Luật hiện hành và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban, Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, Dự thảo do Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì soạn thảo. Trong đó gồm nhiều nội dung và lấy ý kiến rộng rãi từ tháng 7/2021. Nhiều cơ quan, tổ chức, các hiệp hội trong và ngoài nước góp ý về các nội dung của dự thảo, tập trung chủ yếu vào 3 nội dung: Cấp giấy phép môi trường; một số quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh; đóng góp tái chế sản phẩm, bao bì. Theo bà Thảo, qua các đợt lấy ý kiến, nhiều nội dung trong Dự thảo chưa được tiếp thu, trong đó nhiều nội dung khiến cộng đồng DN quan ngại.

Cần khắc phục một số bất cập về điều kiện kinh doanh trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2020 -0
Các đại biểu dự hội thảo.

Đặc biệt, ngày 11/11 vừa qua, 11 Hiệp hội ngành hàng đã gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ góp ý về dự thảo gồm 1 kiến nghị chung và 6 kiến nghị cụ thể. Với 6 kiến nghị cụ thể, 11 hiệp hội khẩn thiết kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm; Cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư - kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp; Bãi bỏ việc thành lập Văn phòng EPR (quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất - PV) và Hội đồng EPR do không có đề cập hay quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý…

Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, Dự thảo này nên làm lại để đảm bảo chất lượng của một dự thảo, đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường và tạo niềm tin cho DN thực hiện một cách minh bạch, thuận lợi nhất.

Lưu Hiệp
.
.
.