Bình Định khẩn trương giải phóng mặt bằng thi công cao tốc Bắc – Nam

Thứ Tư, 12/10/2022, 08:33

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đônggiai đoạn 2021-2025, đoạn qua tỉnh Bình Định có tổng chiều dài 118,8km, đi qua địa phận 8 huyện, thị xã, thành phố; bao gồm 3 dự án thành phần: Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn và Quy Nhơn – Chí Thạnh.

Đến nay, tất cả địa phương này đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư; thực hiện đo đạc, xuất hồ sơ kỹ thuật địa chính, kiểm kê đất đai và tài sản trên đất bị ảnh hưởng; xác định sơ bộ tổng mức, lập dự toán quy hoạch chi tiết các khu tái định cư trên cơ sở quy mô đã được xác định.

2.jpg -0
Cán bộ Thị xã Hoài Nhơn chi trả tiền bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Bắc - Nam.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Định, qua buổi làm việc mới đây với các địa phương cho thấy, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều địa phương ở tỉnh này thực hiện còn chậm. Cụ thể, tại huyện Phù Mỹ công tác kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất đai đạt hơn 91%; huyện Phù Cát kiểm kê, xác nhận nguồn gốc đất đai đạt 86%... Nhìn chung, toàn tỉnh Bình Định mới chỉ có thị xã Hoài Nhơn phê duyệt phương án chi trả tiền đền bù cho người dân, còn các địa phương khác chỉ dừng lại ở việc thống kê, xác nhận nguồn gốc đất nhưng tỷ lệ chưa cao.

Ngoài ra, công tác tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi cao tốc Bắc - Nam còn vướng, đa phần các địa phương mới chỉ dừng ở công tác quy hoạch. Hiện nay, ngành chức năng tỉnh Bình Định gấp rút cùng các địa phương và chủ đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc liên quan, làm việc khẩn trương để kịp thời bàn giao 70% mặt bằng sạch vào ngày 20/11/2022 tới cho chủ đầu tư.

Ông Ngô Đình Ý ở khu phố Lại Khánh Tây, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn, cho biết, gia đình ông có diện tích đất hoa màu và mồ mả nằm trong hành lang tuyến cao tốc Bắc – Nam. Được chính quyền địa phương, các cấp ủy tuyên truyền, mặc dù chưa nhận tiền đền bù nhưng gia đình ông đã chuẩn bị di dời mồ mả để bàn giao mặt bằng cho địa phương xây dựng công trình đường cao tốc. Không chỉ nhanh chóng di chuyển mồ mả để bàn giao mặt bằng, là đảng viên, biết được ý nghĩa quan trọng của dự án trọng điểm này, thời gian qua, ông Ngô Đình Ý còn thường xuyên tuyên truyền vận động nhân dân trong khu phố nhanh chóng thực hiện theo để công tác giải phóng mặt bằng được đảm bảo đúng tiến độ.

Theo ông Trần Văn Thư, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thị xã Hoài Nhơn, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đônggiai đoạn 2021-2025 qua địa bàn thị xã Hoài Nhơn dài 29,27km; trong đó, có 3.451 hộ bị ảnh hưởng, với diện tích khoảng 254,4ha. Đến nay, BQL đã thực hiện công tác kiểm kê đo đạc khoảng 99%, áp giá bồi thường cho 1.526 hộ đạt 77,26%. BQL hiện đang thực hiện phê duyệt và chi trả bồi thường cho 156 hộ dân ở các xã, phường: Hoài Thanh Tây, Hoài Phú, Hoài Sơn và Hoài Đức.

“Theo yêu cầu đến ngày 20/11/2022 bàn giao 70% diện tích cho chủ đầu tư để triển khai thi công vào tháng 12/2022. Khó khăn lớn nhất ở đây là thời gian ngắn, yêu cầu tiến độ gấp. Để đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng, thành viên Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như tổ giúp việc làm việc 3 ca, kể cả ban đêm. Ngoài ra, dọc tuyến, ở các nhà văn hóa thôn, khu phố đều có các tổ công tác làm việc để khi người dân có thắc mắc là giải đáp ngay cũng như các bước làm phương án”, ông Thư cho hay.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tăng tốc làm việc cả ngày, đêm kể cả ngày nghỉ, đảm bảo đến ngày 20/11 tới bàn giao ít nhất 70% mặt bằng cho chủ đầu tư. Ngoài ra, đề nghị BQL dự án 85 - Bộ Giao thông Vận tải, sớm có ý kiến trả lời các nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định và các địa phương liên quan đến dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam; kịp thời bố trí kinh phí để các địa phương chi trả giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu về tiến độ.

“Chủ tịch UBND các địa phương cần tập trung quyết liệt chỉ đạo, Hội đồng bồi thường làm sao bảo đảm được chất lượng. Tất cả vấn đề đường cao tốc UBND tỉnh không thiếu một lĩnh vực nào. Còn vấn đề nào phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện thì các địa phương phải chủ động báo cáo về UBND tỉnh, hoặc chủ động phối hợp Sở, ngành liên quan đề xuất tỉnh giải quyết. Chúng tôi sẵn sàng làm việc bất cứ, thời điểm nào, giờ giấc nào”, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định.

Diễm Phúc
.
.
.