Áp giá trần gây tác động ngược lên giá sữa
- Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị Bộ Công thương quản lý giá sữa
- Giá nguyên liệu giảm, vì sao giá sữa không giảm?
- Yêu cầu xem xét lại Bộ đảm nhiệm quản lý giá sữa cho phù hợp
Từ năm 2010 đến nay, quản lý giá sữa luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Việc hai Bộ Tài chính – Công Thương kiến nghị qua lại, “nhường” nhau quản lý mặt hàng này suốt từ đầu năm 2015 vẫn chưa ngã ngũ, thì mới đây, tại lễ công bố Sách trắng năm 2016, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam tiếp tục bày tỏ sự quan ngại về môi trường đầu tư tại Việt Nam một khi Chính phủ can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp (DN).
Việc áp trần đối với giá sữa đã được Bộ Tài chính chính thức thực hiện từ năm 2014 bằng Quyết định 1079 đối với 25 mặt hàng sữa của 5 DN chiếm thị phần hàng đầu trên thị trường. Quyết định này sau đó được thay thế bằng Quyết định 857 ngày 12-5-2015, kéo dài việc áp trần với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết ngày 31-12-2016.
Ngay từ thời điểm ra đời, biện pháp này đã gây nhiều tranh cãi. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, việc áp trần vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia và đặc biệt từ phía DN, với lý do việc can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN là “phi thị trường”.
Việc áp trần giá sữa được đánh giá là không có tác dụng thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. |
Thực tế, có đến 60% người dân cho rằng họ không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít từ các biện pháp can thiệp vào giá sữa của Nhà nước (báo cáo do World Bank và VCCI công bố tháng 7-2015). Cùng với xu hướng tăng giá nhẹ của các sản phẩm sữa thuộc phân khúc bình dân kể từ khi biện pháp bình ổn giá được áp dụng, có thể nói chính sách này đã gây tác động ngược với mục tiêu giảm giá sữa để hỗ trợ đại đa số người tiêu dùng có mức thu nhập trung bình trong xã hội.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu phân tích một cách thấu đáo, quyết định áp giá trần ngoài việc làm đẹp lòng dư luận và phát sinh thêm thủ tục hành chính cho các DN, thực chất không có ý nghĩa đối với việc mang lại lợi ích thiết thực cho người có thu nhập thấp. Việc áp trần chỉ thực hiện gắt gao với một số mặt hàng nhất định, trong khi thị trường muôn hình vạn trạng với hơn 750 sản phẩm khác nhau, đã phát sinh sự thiếu công bằng, phá vỡ môi trường cạnh tranh lành mạnh khi DN này bị quản, DN khác lại không.
Năm 2014, trước khi thực hiện biện pháp này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cũng đã thừa nhận: Trên thị trường có khoảng 200 doanh nghiệp kinh doanh với nhiều chủng loại, nếu tính giá trần cho từng sản phẩm thì… không biết bao giờ sẽ thực hiện được.
Do vậy, Bộ Tài chính sẽ nhắm vào các DN có thị phần lớn, quy định giá trần đối với các chủng loại có tỉ suất lợi nhuận lớn, tỉ trọng tiêu thụ lớn. Việc này sinh ra một thực tế ngược đời là các DN có sản phẩm tốt, ăn khách thì bị quản lý, không cho… lãi nhiều; còn các DN thường thường hạng trung thì ung dung.
“Trong câu chuyện quản lý giá sữa, cơ quan đáng lẽ phải vào cuộc thì không vào, đó là Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương. Nếu thấy có dấu hiệu liên kết hay thống lĩnh thị trường, thì Cục Quản lý cạnh tranh phải là đơn vị lên tiếng, tiến hành điều tra bằng các biện pháp hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhưng cơ quan này lại hoàn toàn im lặng. Trong khi đó, cơ quan không nên nhúng tay vào, thì lại lãnh trách nhiệm chính, đó là Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Đó là lý do vì sao kể từ đầu năm 2015, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nhiều lần đùn qua, đẩy lại việc quản lý giá sữa, cùng với sự dây dưa của Bộ Y tế” – một chuyên gia trong ngành chia sẻ.
Không đạt được mục tiêu quản lý giá, nhưng các mệnh lệnh hành chính như trên lại có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt khi quá trình hội nhập đang diễn ra rất mạnh mẽ. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài chính năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã có chỉ đạo giá sữa cần phải thực hiện theo cơ chế thị trường, vì Việt Nam đã ký kết một loạt các FTA, không thể dùng các biện pháp hành chính để áp đặt. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, dù mong muốn của cơ quan quản lý là thị trường phải bình ổn, nhưng muốn thực hiện được điều này thì phải nâng cao trình độ của cán bộ và quản lý bằng các giải pháp kinh tế.
Mới đây nhất, trong Sách trắng 2016 về các vấn đề chính sách và kiến nghị, Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng thuộc EuroCham (NFG), cũng kiến nghị Chính phủ không kéo dài việc áp trần giá sữa, bởi “Việc Chính phủ đưa ra các quy định can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN sẽ là một lời cảnh báo đáng lo ngại về một môi trường đầu tư chưa thực sự ổn định, thân thiện và hội nhập của Việt Nam, đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ”.
Ngoài ra, NFG cũng đề nghị xác định rõ ràng mục đích và đối tượng thực sự cần hỗ trợ từ công tác bình ổn giá; Sửa đổi và làm rõ các điều khoản chưa rõ ràng và thiếu nhất quán trong Luật Giá và văn bản hướng dẫn, để việc can thiệp của Nhà nước vào giá có cơ sở vững chắc hơn. NFG cũng cho rằng, đối với thị trường sữa công thức, Chính phủ không nên kiểm soát giá bán của các sản phẩm ở phân khúc cao cấp và trung bình, mà chỉ nên áp dụng biện pháp bình ổn giá lên phân khúc thị trường bình dân để đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng có thu nhập thấp.