Agribank tăng sức cạnh tranh cho lĩnh vực nông nghiệp khi hội nhập quốc tế

Thứ Sáu, 12/02/2016, 07:25
Những năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã tham gia chính thức hầu hết các tổ chức, thỏa thuận, hiệp định kinh tế lớn trên thế giới và khu vực như WTO, ASEAN, APEC, ASEM, AEC, TPP…

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi cho Việt Nam về thu hút nguồn vốn đầu tư, công nghệ để phát triển kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nhưng cũng đặt ra những thách thức cần giải quyết.

Từ góc nhìn của một tổ chức tín dụng cung ứng vốn hàng đầu cho lĩnh vực nông nghiệp, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho rằng: Các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đang đàm phán sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu một số hàng hóa thế mạnh của Việt Nam như thủy sản, nông sản, đồ gỗ…

 Tuy nhiên, hàng nông sản của các nước cũng được hưởng lợi tương tự khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà cũng rất lớn. Ông Tiết Văn Thành cũng cho rằng, tiềm năng phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong hội nhập quốc tế là rất lớn. 
Agribank luôn khẳng định vị thế là ngân hàng chủ chốt đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp trong nhiều năm qua.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, thông qua chính sách phù hợp trong quản lý, các giải pháp đổi mới phương thức sản xuất, phát triển kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… sẽ góp phần phát triển ổn định kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương, cũng như từng loại ngành hàng, sản phẩm. Qua đó tiến tới hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng cường khả năng cạnh tranh và hội nhập trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.

Nhìn lại kết quả đầu tư tín dụng phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2015 cho thấy, chính sách tín dụng theo Nghị định 41 của Chính phủ đã mang lại những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội và thay đổi bộ mặt nông thôn. Trong quá trình triển khai, Agribank đã khẳng định vị thế là ngân hàng chủ chốt thực hiện đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với mạng lưới cho vay rộng khắp đến các huyện, các xã, luôn đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng trong lĩnh vực này. 

Tính đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt 487.453 tỷ đồng. Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn tín dụng của Agribank đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của đất nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông nghiệp, nông thôn để từng bước hội nhập khu vực và thế giới.     

Năm 2016, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu rộng, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã thực sự bước vào sân chơi chung của thế giới. Do vậy, cơ chế sản xuất nông nghiệp dựa trên nền tảng hộ gia đình với quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết đã bộc lộ nhiều bất cập. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả thực hiện Nghị định 41, đồng thời để phù hợp với tình hình mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn thay thế cho Nghị định 41. 

Nghị định mới đã cơ bản khắc phục được hầu hết những vướng mắc, hạn chế và có nhiều điểm mới, phù hợp với xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chính sách tín dụng mới được kỳ vọng sẽ mang lại những kết quả to lớn trong việc phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong hội nhập.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, khai thác tối đa những lợi thế mà các hiệp định thương mại mang lại, đồng thời tìm giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn trong bối cảnh mới, ông Tiết Văn Thành đề xuất: Chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt đề án tái cơ cấu lại các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. 

Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp phải hướng sản xuất hàng hóa có tính tới thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tiến hành nghiên cứu, xác định, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có thị trường. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. 

Bên cạnh đó, các cơ quan với vai trò quản lý Nhà nước cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất, chế biến. Hướng dẫn và giám sát thực hiện các cam kết quốc tế về nông nghiệp. Tập trung đàm phán, tháo gỡ các rào cản thương mại, nâng cao giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản.

Đối với nội tại của Agribank, mặc dù phải trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn, vất vả, vừa căng sức xử lý các tồn tại, hậu quả của thời kỳ tăng trưởng nóng, vừa đảm trách các nhiệm vụ chính trị trọng yếu trên thị trường tín dụng nông nghiệp nông thôn, nhưng Ngân hàng Agribank luôn khẳng định vị thế là ngân hàng chủ chốt thực hiện đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với mạng lưới cho vay rộng khắp, luôn đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng. 

Ngân hàng Agribank đang nỗ lực vượt lên chính mình với việc hoàn thiện chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu phát triển ổn định, vững chắc theo hướng ngân hàng thương mại hiện đại, sẵn sàng thực hiện cổ phần hóa, qua đó sẽ hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp tăng sức cạnh tranh khi Việt Nam tham gia vào các sân chơi lớn có tính chất toàn cầu.

Trần Xuân
.
.
.