Yêu cầu thủy điện Đăk Mi 4 trả dòng về lại sông Vu Gia
TP Đà Nẵng vừa có công văn yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) - chủ đầu tư dự án thủy điện Đăk Mi 4 bổ sung thiết kế cống điều tiết qua thân đập thủy điện Đăk Mi 4 để chuyển trả dòng cơ bản của sông Đăk Mi về lại sông Vu Gia.
TP Đà Nẵng cũng vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết tranh chấp nguồn nước, khắc phục tình hình thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia liên quan đến dự án thủy điện Đăk Mi 4.
Theo tính toán của UBND TP Đà Nẵng về nhu cầu nước ở hạ lưu sông Vu Gia, tổng lưu lượng yêu cầu (dòng chảy môi trường để đẩy mặn, duy trì dòng chảy kiệt; cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, dịch vụ) hiện tại là 84,19m3/s và 110,94m3/s đến năm 2020. Theo tính toán cân bằng nước (trong đó đã tính đến nguồn nước nội thủy của TP Đà Nẵng), do chuyển nước ra khỏi lưu vực nên khi thủy điện Đăk Mi 4 đi vào hoạt động thì tình hình thiếu nước ở hạ lưu sông Vu Gia là rất nghiệm trọng.
Tháng 7/2008, khi thủy điện A Vương 1 chặn dòng đã gây thiếu nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Vu Gia. |
TP Đà Nẵng cũng đã chỉ ra những sai sót lớn của Báo cáo cân bằng nước và đánh giá hiệu ích hạ lưu các công trình thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn do Viện Quy hoạch thủy lợi lập năm 2002 là: Lượng nước yêu cầu cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch được tính toán trong báo cáo là rất nhỏ so với lượng nước yêu cầu thực tế và quy hoạch đến năm 2020 của khu vực.
Sai về phương pháp luận trong tính toán cân bằng nước, chọn sai thông số thủy văn đầu vào của chương trình tính - chọn thông số lưu lượng kiệt tháng thay vì lưu lượng trung bình tháng, trong khi hai thông số này chênh lệch nhau rất lớn.
Càng sai sót hơn nữa là khi tổng dung tích hữu ích của các dự án thủy điện Sông Côn 2, Sông Boung 2, Sông Giằng và Sông Boung 5 đã bị giảm đi 435,4 triệu m3 so với dung tích được đưa vào chương trình tính toán cân bằng nước của báo cáo trên.
Chưa hết, tất cả các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện trên sông Vu Gia đều không đề cập đến ảnh hưởng của nguồn nước ở hạ lưu.
Đơn vị tư vấn lập dự án thủy điện Đăk Mi 4 còn nhầm lẫn rất cơ bản là "nước sông Đăk Mi chuyển về sông Thu Bồn rồi sau đó sẽ lại chảy về sông Vu Gia", nhưng trên thực tế, chỉ có một lượng nhỏ nước sông Thu Bồn chảy về sông Hàn (Đà Nẵng, hạ lưu sông Vu Gia) qua sông Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam) nhưng không sử dụng được do nước sông Vĩnh Điện thường xuyên bị nhiễm mặn.
Tháng 7/2008, thủy điện A Vương 1 chặn dòng để tích nước vào hồ đã gây ra một đợt thiếu nước nghiêm trọng ở hạ lưu sông Vu Gia, gây hạn hán nặng cho 10.000ha đất nông nghiệp và nhà máy nước Đà Nẵng bị nhiễm mặn nặng...
Hiện nay đập chính của thủy điện Đăk Mi 4 đang được khẩn trương xây dựng, một khi phần dưới thân của đập được xây dựng xong thì khả năng xây dựng cống qua thân đập để trả nước sông Đăk Mi về lại sông Vu Gia là không thể thực hiện được.
TP Đà Nẵng yêu cầu Bộ Công Thương và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có biện pháp bắt buộc chủ đầu tư công trình thủy điện Đăk Mi 4 sớm bổ sung xây dựng cống điều tiết qua thân đập để trả nước lại cho sông Vu Gia với lưu lượng lớn nhất là 87m3/s