YTECO và trò "lập lờ đánh lận con đen"

Thứ Ba, 11/01/2005, 07:58

Những sai phạm trong lĩnh vực nhập khẩu thuốc men và máy móc, dụng cụ y tế của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Tp.HCM (YTECO) thì đã rõ ràng. Tuy nhiên, chưa biết liệu các cổ đông của YTECO, không ít người là cán bộ công chức, có liên quan gì đến những sai phạm đó.

Là một trong số ít những đơn vị kinh doanh dược phẩm được phép nhập khẩu trực tiếp và phân phối thuốc chữa bệnh, YTECO là đầu mối cung cấp hàng nghìn chủng loại dược phẩm và y cụ cho nhiều bệnh viện, cũng như cung ứng cho thị trường, phần lớn là các tỉnh phía Nam, hơn 20 loại vắcxin, hơn 200 loại nguyên liệu và máy móc để sản xuất thuốc chữa bệnh.

Hiện tại, YTECO có trên 700 cổ đông. Bản danh sách chúng tôi thu thập được có gần 500 cổ đông ghi rõ tên họ, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại cùng số cổ phần mà họ đang sở hữu. Theo quy định, mỗi cổ phần trị giá 100.000 đồng. Trong bản danh sách ấy, người ít nhất cũng có 200 cổ phần (tương đương 20 triệu đồng) và người nhiều nhất có tới 3.800 cổ phần. Trong số này có 4 nhà báo mà người sở hữu ít nhất là 200 cổ phần, còn người nhiều nhất có 300 cổ phần, cùng vài cá nhân nguyên là quan chức Sở Y tế TP HCM, Văn phòng 2 Bộ Y tế, UBND Tp.HCM, Cục Hải quan thành phố...

Một số sai phạm của YTECO

Trước hết là tiền hoa hồng. Ngày 31/3/2003, bà Dư Mỹ Hạnh, Phó giám đốc YTECO đã ký thỏa thuận với đại diện Công ty Ebwe Pharma, trong đó YTECO sẽ được hưởng 6% tiền hoa hồng trên tổng giá trị hóa đơn trong mỗi hợp đồng mua bán. Tất cả số tiền này đều được để ngoài sổ sách. Điều đáng nói là sau khi đồng ý chi 6%, Ebwe Pharma đã chỉ đạo cho YTECO hằng tháng phải báo cáo cho họ biết tình hình hàng tồn kho, hàng đã xuất cùng các khoản công nợ. Bên cạnh đó, Ebwe Pharma còn đề nghị YTECO mau chóng hoàn tất thủ tục hải quan, để một số chủng loại dược phẩm chưa có quota, được nhập vào.

Lợi dụng việc này, Giám đốc YTECO là ông Huỳnh Kim Hoàng bèn... đánh lẻ. Tại tờ trình số 6007/QLD của Cục Quản lý Dược, cho phép nhập 100.000 lọ thuốc đặc trị bệnh ung thư nhưng chưa có số đăng ký, ông Huỳnh Kim Hoàng đã ra lệnh cho Phòng Nghiệp vụ YTECO viết thêm vào mục công ty cung cấp là... Ebwe Pharma.

Đối với chủng loại tân dược, YTECO cũng có lắm trò phù phép. Ngày 11/3/2003, YTECO làm đơn hàng số 305, gửi Cục Quản lý Dược xin cho phép nhập 5 loại nguyên liệu để chế biến thuốc thành phẩm. Sau khi xem xét, Cục Quản lý Dược đã có công văn, đồng ý cho YTECO được nhập 5 loại nguyên liệu này. Tuy nhiên, biết thị trường trong nước đang khan hiếm một số mặt hàng, nên thay vì nhập đúng chủng loại đã được cấp phép, thì YTECO lại chơi trò “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, mà cụ thể là dược liệu Econazole được thay bằng Luxy 099, và tên nhà sản xuất từ Givaudan biến thành Yung. Tương tự như vậy, Rifamycin trở thành Aloe Vera gel spray dried power, Acryl Eze hóa ra Astermizole.

Để trốn thuế nhập khẩu, YTECO xóa chữ “giảm đau” ở mặt hàng Nimfast. Công ty TNHH Thiên Thế là đơn vị mà YTECO thường xuyên nhập ủy thác loại thuốc này, và trong tờ hướng dẫn cách sử dụng bằng tiếng Việt, nếu không có chữ giảm đau, hạ sốt thì thuế suất là 0%, còn nếu có 2 chữ ấy, thì thuế suất là 10%.

Xuyên suốt một số vụ việc, thì hình như YTECO thích nhập ủy thác hơn là nhập chính thức. Lúc được hai công ty TNHH dược là Việt Hà và Kim Châu yêu cầu, YTECO đã nhập trái phép một số chủng loại thuốc của Tập đoàn Dược Tedis, và Tedis chịu mọi khoản... “bôi trơn” vì lượng hàng này chưa có số đăng ký in trên bao bì. Đối với những loại thuốc chưa được phép nhập, YTECO cũng... thực thi, mà điển hình là nhập 13.000 USD loại Ikonim, 12.446 USD loại Ultra Levure. Bên cạnh đó, Giám đốc Huỳnh Kim Hoàng còn liều mạng sửa số lượng 500 ống Isuprel (là loại thuốc độc bảng A) lên thành 900 ống, đồng thời cho in thêm vào đơn hàng 4 triệu viên Benalabril. Với 2 loại dược phẩm chưa được phép nhập là Anikef và Volini, YTECO cũng chi tổng cộng 19.276 USD để mua về.

Không chỉ tân dược, mà nguyên liệu dược YTECO cũng có nhiều sai phạm. Bằng cách cạo sửa hóa đơn, thay đổi tên chủng loại, tên nhà sản xuất, tên đơn vị phân phối, YTECO đã nhập khẩu trái phép gần 50.000kg nguyên liệu Roxithromycine, Aloe Vera gel spray dried power, Luxy 099, Astermizole với tổng trị giá khoảng 6,5 triệu USD. Với mặt hàng vắcxin, YTECO nhập quá số lượng được phép 2.000 liều Euvax B, 10.668 liều Okavax đồng thời cạo sửa hóa đơn để nhập lậu vắcxin Favirab, trị giá 226.000 USD. Tất cả những sai phạm ấy, ngoài việc người bệnh phải gánh chịu về giá cả, thì YTECO - dù vô tình hay hữu ý, cũng đã giúp những tập đoàn dược phẩm nước ngoài trốn thuế khi tung sản phẩm vào thị trường Việt Nam. Ví dụ việc nhập thuốc Volini, theo giá CIF - là giá khi hàng về đến cảng Việt Nam - thì mỗi hộp là 0,58USD. Tuy nhiên, hàng về đến nơi, YTECO bán lại cho Công ty TNHH Thuận Hóa  cũng với giá 0,58USD. Bí mật của vụ việc này là Công ty Thuận Hóa đã được phía nước ngoài chỉ định là nhà phân phối độc quyền, và YTECO chỉ... nhập hộ để hưởng phí nhập khẩu.

Trường hợp của Công ty TNHH Minh Tâm cũng thế. Mặc dù có chức năng nhập khẩu trực tiếp, nhưng YTECO lại đi nhập ủy thác cho Minh Tâm mặt hàng Clomid với giá CIF 56.708 đồng một hộp. Sau đó, YTECO mua lại của... Minh Tâm với giá 92.381 đồng một hộp, rồi phân phối đến các tiệm thuốc tây, các bệnh viện. Một công ty khác - Công ty TNHH Cẩm Tú - do không có chức năng nhập khẩu trực tiếp, nên nước ngoài nhờ YTECO nhập ủy thác mặt hàng Reclide với giá CIF mỗi hộp 4USD (tương đương khoảng 64.000 đồng). Hàng nhập xong, Cẩm Tú... bán không được, YTECO bèn ra tay nghĩa hiệp, mua lại toàn bộ với giá 79.240 đồng một hộp. Qua những chuyện đó, người ta mới hiểu chuyện “bình ổn giá thuốc” chỉ là chuyện... trên trời (!).--PageBreak--

Khi những việc làm sai trái của YTECO bị phát hiện, lãnh đạo YTECO tìm mọi cách để biện minh cho hành vi của mình. Và cũng có một vài cơ quan tìm cách bênh vực cho YTECO. Một kết luận của Trung tâm phân tích, phân loại miền Nam thuộc Tổng cục Hải quan đã có thông báo kết luận Nimfast là thuốc giảm đau, hạ sốt nhưng Chi nhánh Giám định hàng hóa xuất nhập khẩu (Vinacontrol), lại phản bác kết luận này. Trong Chứng thư giám định của Vinacontrol, dược sĩ Lý Văn Liêm, Trưởng phòng giám định và ông Lê Hồng Phong, giám định viên đã phán như đinh đóng cột: “Nimfast, công thức là Nimesulide có công dụng theo nhà sản xuất là kháng viêm đơn thuần, không giảm đau, hạ sốt”, trong lúc theo định nghĩa của từ điển Y học Medicin Encarta, thì được gọi là viêm khi hội đủ 4 điều kiện: sưng, nóng, đỏ, đau. Thuốc “kháng viêm” mà không có tác dụng giảm đau, không hạ sốt (nóng), thì có lẽ nó là... corticoide?

Ngày 21/12/2004, Ban Giám đốc YTECO thông báo tổ chức một buổi họp báo, để nói về tình hình hoạt động của YTECO cùng một số sai phạm mà thời gian qua đã được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, buổi họp báo này đã bị Sở Văn hóa - Thông tin Tp.HCM đề nghị tạm ngưng vì chưa có sự thống nhất giữa cơ quan chủ quản với YTECO. Trả lời báo chí về việc tại sao một số công chức lại có cổ phần trong YTECO, ông Huỳnh Kim Hoàng cho rằng việc mua cổ phần này đều có hóa đơn, và việc bán cổ phần, tất nhiên YTECO cũng có “ưu tiên” cho một số công chức mà theo họ thì cần có để “tạo quan hệ”.

Cán bộ Hải quan Tp.HCM có “giúp đỡ” YTECO không?

Về việc 7 cán bộ Cục Hải quan Tp.HCM mua cổ phần của YTECO, chúng tôi được biết lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu số cán bộ này báo cáo giải trình, đồng thời chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phải  nghiêm túc kiểm điểm quy trình công tác trong việc giải quyết các thủ tục cho YTECO nhập khẩu thuốc men, nguyên liệu dược trong những năm vừa qua. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan còn chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra sau thông quan, bao gồm Cục chống buôn lậu, Thanh tra Tổng cục và Hải quan Tp.HCM.

Theo điều tra của chúng tôi thì hầu hết số cán bộ hải quan có cổ phần đều không liên quan trực tiếp đến việc giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu cho YTECO. Có trường hợp như bà Thanh Tâm mới mua cổ phần tháng 8/2004 thì tháng 9 đã từ Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất chuyển xuống Hải quan cảng Tân Thuận. Hoặc như trường hợp ông Trần Văn Lai, Phó cục trưởng Cục Hải quan Tp.HCM, tuy có mua cổ phần nhưng công việc ông được giao cũng không liên quan gì tới giải quyết thủ tục nhập khẩu và áp giá. Chúng tôi cũng ghi nhận thì từ trước tới nay, ông Trần Văn Lai chưa bao giờ phụ trách công tác nghiệp vụ giá tính thuế. Từ quý 1/2003 trở về trước, ông phụ trách xử lý chống buôn lậu; và từ quý 2/2003, Cục trưởng Cục Hải quan Tp.HCM phân công ông nắm mảng nghiệp vụ giám sát quản lý và chính sách thuế.

Riêng về việc kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của YTECO, thì từ năm 2002, Hải quan TP HCM tiến hành tùy theo từng lô hàng, tùy theo thông tin nắm được. Một điều cần ghi nhận, là khi tiến hành kê khai tài sản, thì tất cả những cán bộ Hải quan Tp.HCM đều khai rõ về số cổ phần mà mình đang sở hữu ở YTECO.

Về việc cán bộ công chức có được mua cổ phần của doanh nghiệp hay không thì Pháp lệnh công chức có quy định: “... Người đứng đầu, cấp phó của những người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp mà hoạt động của doanh nghiệp này nằm trong phạm vi ngành nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý Nhà nước”. Tuy nhiên, Hải quan Tp.HCM không phải là đơn vị thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với YTECO, mà chỉ làm công tác kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Từ thực tế này, nên chăng cần có những hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Pháp lệnh công chức tránh sự sai lầm do không hiểu biết.

Việc khẳng định rằng, mua cổ phần này là có vi phạm hay không và số cán bộ hải quan sở hữu cổ phần của YTECO có “giúp đỡ” cho công ty này không, chắc chắn lãnh đạo Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan Tp.HCM sẽ có kiểm tra và trả lời minh bạch

Vũ Cao
.
.
.