Xuất vải thiều đi châu Âu
- Thanh Hà "đắng" mùa vải thiều
- Công nghệ bảo quản vải thiều tươi quanh năm: Đắt có “xắt ra miếng”?
- Đảm bảo an ninh, trật tự trong mùa thu hoạch vải thiều
- Tạo điều kiện tiêu thụ vải thiều Hải Dương tại Hà Nội
Do đẩy mạnh xúc tiến thương mại nên các doanh nghiệp về thu mua, xuất khẩu vải khả quan hơn. Năm nay doanh nghiệp đến thu mua vải sớm nhiều hơn. Năm 2016, tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại đối với quả vải.
Từ nhiều ngày nay, gia đình ông Nguyễn Trọng Thường, xóm 5 thôn Phù Tinh, xã Trường Thành, huyện Thanh Hà bước vào vụ thu hoạch vải sớm. Ông Thường hiện có 8 sào vải các loại, gồm các giống như: u trứng, u hồng, tàu lai và vải thiều. Hiện nay, trà vải u trứng và u hồng của gia đình bắt đầu thu hoạch.
Đến nay, ông bán được 3 tạ vải u trứng, giá bán trung bình trên 40.000 đồng/kg. Giá vải sớm năm nay tương đối ổn định và ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm. Sản lượng vải năm nay của gia đình ông Thường đạt khoảng 3 tấn. Trừ các loại chi phí, gia đình ông thu hơn 10 triệu đồng/sào.
Là một người có trên 40 năm kinh nghiệm trồng vải, ông Nguyễn Đức Lục ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính gắn bó với cây vải sớm của địa phương. Gia đình ông có khoảng trên 1 mẫu trồng vải, gồm các giống như: u trứng, u hồng, tàu lai và vải thiều.
Ông Lục cho biết: sản lượng vải năm nay của gia đình đạt khoảng 2,5 tấn. Thời điểm đầu vụ, ông bán vải u trứng với giá trên 40.000 đồng/kg. Hiện, ông đang thu hoạch diện tích vải u hồng, giá bán từ 20.000 đến 22.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu được khoảng 60 đến 70 triệu đồng.
Xã Thanh Bính là trung tâm vải sớm của huyện Thanh Hà. Trong những ngày này, dọc tuyến tỉnh lộ 390 chạy qua địa bàn xã có hàng chục địa điểm thu mua vải của các thương lái. Nhiều xe container và các loại xe chở hàng đỗ kín bến xe của xã để chờ bốc hàng.
Theo ông Lê Sỹ Tín, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính, trên địa bàn hiện có 250ha vải, trong đó diện tích vải u hồng 180ha, khoảng 30ha vải u trứng, 40ha tàu lai và vải thiều. Hiện nay, nhân dân trong xã đang thu hoạch vải u hồng. Sản lượng vải toàn xã năm nay ước đạt 2.000 tấn, tăng 500 tấn so với năm 2015.
Do kỹ thuật chăm sóc tốt, vải sớm Thanh Hà được mùa và được giá.Vải sớm tập trung chủ yếu ở hai xã Thanh Bính và Thanh Cường, mỗi xã ước khoảng 2.500 tấn. Hiện, mỗi ngày các điểm cân thu gom hàng chục tấn vải. Những ngày đầu vụ, vải u trứng có giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg, có thời điểm 45.000 đồng/kg.
Thu hoạch vải sớm tại Thanh Hà. |
Hiện nay, vải u hồng và vải tàu lai bắt đầu thu hoạch, giá bán khoảng 20.000 đến 22.000 đồng/kg. Huyện Thanh Hà tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm quả vải của địa phương đến các doanh nghiệp. Từ đầu vụ thu hoạch, huyện Thanh Hà chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương có vải bảo đảm ANTT, TTATGT tại khu vực thu mua. Huyện tạo điều kiện hết mức đối với các doanh nghiệp, tư thương về thu mua vải tại các địa phương.
Năm 2016, huyện Thanh Hà có gần 4.000ha vải (trong đó vải sớm chiếm 1.200ha, còn lại là vải thiều chính vụ). Dự kiến, năm nay sản lượng vải đạt khoảng 25.000 tấn. Đến nay, có khoảng 20 doanh nghiệp các nơi về khảo sát vùng nguyên liệu và đặt vấn đề thu gom, xuất khẩu vải. Năm nay, lần đầu tiên vải sớm Hải Dương có mặt tại thị trường châu Âu.
Hiện nay, trên 1.000ha vải sớm của các xã khu Hà Đông của huyện bắt đầu cho thu hoạch, với sản lượng khoảng trên 13.000 tấn. Giá vải sớm bán tại vườn từ 19.000 đến 24.000 đồng/kg. Nếu tính bình quân 19.000 đồng/kg thì vụ vải sớm năm nay, người trồng vải sớm ở Thanh Hà thu được trên 230 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều hộ dân có mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên nhờ vải sớm.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, ngày 3-6, khoảng 1 tấn vải sớm Thanh Hà (Hải Dương) có mặt tại Pháp, tham gia trưng bày và bán tại chuỗi siêu thị Casio (Pháp) đến với người tiêu dùng trong tuần lễ hàng Việt Nam tại châu Âu. Huyện Thanh Hà triển khai những kế hoạch để quả vải tiếp tục mở rộng thị trường ra nước ngoài. Trong khâu sản xuất, Thanh Hà tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng quả vải.
Để quả vải Thanh Hà đảm bảo được các tiêu chí khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành Nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc, tuyệt đối đáp ứng yêu cầu của các thị trường, không sử dụng các loại hoạt chất không được phép. Cán bộ chuyên môn xuống cơ sở giám sát nông dân, cập nhật tình hình sâu bệnh trên vải, có bộ thuốc dùng riêng cho vải, vừa diệt sâu, bảo vệ vải, mà vẫn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Người nông dân những vùng vải xuất khẩu nghiêm ngặt thực hiện các quy trình chăm sóc.