Xuất khẩu vào EU khả quan sau khi EVFTA có hiệu lực
Đây là những tín hiệu tích cực cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường châu Âu.
Trên thực tế, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong vòng một tháng kể từ ngày 1-8 đến hết 31-8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như: Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh Quốc. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Điều đó cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường châu Âu là rất lớn. Do vậy, sau hơn 1 tháng EVFTA được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Điển hình như xuất khẩu gạo, thuỷ sản, nông sản…
Gạo Việt rộng đường vào EU. |
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7-2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực… ông Trương Đình Hòe cho rằng, EVFTA đi thực thi doanh nghiệp thủy sản đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU. Bởi lẽ EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Đặc biệt, các chuyên gia và doanh nghiệp thuỷ sản cũng cho rằng, để xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn, mở rộng thị phần tại EU, Việt Nam phải cấp bách gỡ thẻ vàng IUU nhằm mở cánh cửa vào EU cho rất nhiều doanh nghiệp hiện chưa thể xuất khẩu vào thị trường này… Mặt khác, hiện EU đã cấm sử dụng chất chống ô xi hóa để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Đối với một số sản phẩm có nguồn gốc sinh vật gây bệnh nhất định, EU không cho phép nhập khẩu nhằm tránh việc nhiễm và lây lan sâu bệnh hại cho thực vật và sản phẩm thực vật. Điều kiện này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc với sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan. Chỉ trong gần 1 tháng triển khai EVFTA, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho hay đã thấy rõ những tác động tích cực lan tỏa đến ngành gạo xuất khẩu. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80 - 200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ngoài ra, mặt hàng rau, quả tươi Việt cũng được đánh giá cao đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1-8 vừa qua.
Tiếp đó là mặt hàng cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. Trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi, có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, kết quả xuất khẩu đạt 277 triệu USD trong tháng 8-2020 là một tín hiệu tích cực đối với xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường EU khi EVFTA đi vào thực thi. Tuy nhiên, để tận dụng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn nữa những lợi thế từ Hiệp định EVFTA, Việt Nam cần có giải pháp chiến lược để nâng cao chất lượng hàng hóa cũng như thay đổi tư duy về phương thức xuất khẩu.
Theo ông Khanh, hiện nay đa số các mặt hàng xuất khẩu sang EU hiện vẫn chưa đứng trên kệ hàng tại thị trường này bằng chính thương hiệu của mình. Do vậy, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời, cần có quy chuẩn về chất lượng và thương hiệu theo đúng chuẩn quốc tế, bởi chỉ có như vậy hàng Việt mới có thể tiến sâu vào thị trường EU, mở rộng thị phần và xuất khẩu bền vững.
Gạo được giá khi xuất khẩu sang EU Trong tháng 8-2020, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã XK lô hàng đầu tiên với sản lượng 3.000 tấn gạo cho nhà nhập khẩu (NK) Đức. Lô hàng gồm 2 sản phẩm gạo thơm là gạo ST20 và Jasmine, được hưởng thuế suất bằng 0%. Theo đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn. Trong khi thời điểm trước đó, gạo ST20 chỉ có giá 800 USD/tấn còn Jasmine là 520 USD/tấn. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Giá gạo XK tăng so với trước đó, là do thuế suất giảm về 0%. DN được hưởng mức thuế này là do Hiệp định EVFTA mang lại”. Tuy nhiên, ông Bình vẫn cho rằng, mặc dù mức giá XK gạo hiện nay đã tăng so với trước là tín hiệu đáng mừng, nhưng mức giá trên vẫn chưa đúng với giá trị thực của sản phẩm gạo Việt. Theo phân tích của ông Bình, một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến hình ảnh của thương hiệu gạo Việt bị đánh giá thấp trong mắt các nhà NK, đó là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số DN XK gạo bằng bất cứ giá nào. Điều đó đã là ảnh hưởng đến chất lượng gạo Việt. Bởi, giá XK giảm đồng nghĩa với việc giá gạo trong nước cũng giảm, buộc người nông dân phải tăng sản lượng bằng mọi cách. Khi đó, đất canh tác liên tục không được nghỉ ngơi dẫn đến chất lượng gạo giảm. Vòng luẩn quẩn này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng chưa được giải quyết triệt để. Theo ông Bình, để có thương hiệu gạo Việt mạnh trên thị trường thế giới thì cần đòi hỏi sự kiên trì, phát triển hướng tới dài hạn. Cụ thể, công ty Trung An đã liên kết với người nông dân để thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, kể từ khi Bộ NN&PTNT triển khai từ năm 2010 đến nay. Với mô hình này, cả người nông dân và DN đều được lợi. Theo đó, người nông dân được DN cung cấp toàn bộ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quy trình canh tác sản xuất... Qua 10 năm gắn bó với DN, so với trước đây còn sản xuất manh mún, người nông dân đã có thu nhập ổn định hơn, còn DN thì có được vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt, để phục vụ cho thị trường XK. Thúy Hà |