Xuất khẩu trở thành điểm sáng của nền kinh tế

Chủ Nhật, 06/12/2020, 09:17
Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động lớn tới nền kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam, nhưng những tín hiệu tích cực từ kim ngạch XK những tháng cuối năm đã đưa tổng kim ngạch XK của Việt Nam đạt hơn 254 tỷ USD.


Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động lớn tới nền kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam, nhưng những tín hiệu tích cực từ kim ngạch xuất khẩu (XK) những tháng cuối năm đã đưa tổng kim ngạch XK của Việt Nam đạt hơn 254 tỷ USD (trong đó có 6 mặt hàng, nhóm hàng đạt trên 10 tỷ USD), tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2019, xuất siêu hơn 20 tỷ USD. Con số này cho thấy, XK đã trở thành điểm sáng của nền kinh tế, và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế phục hồi bền vững bước vào năm 2021.

Xuất siêu kỷ lục

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của nước ta trong 11 tháng của năm 2020 vẫn ước đạt khoảng 489 tỷ USD, tăng 3,5% so cùng kỳ năm trước và ước cả năm là 527 tỷ USD, tăng 1,8% so năm 2019. Trong đó, kim ngạch XK hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so năm 2019. Cán cân thương mại quốc gia đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,16 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,8 tỷ USD), đưa XK trở thành điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2020.

Dự báo tổng trị giá xuất khẩu cả năm của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỷ USD.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, Việt Nam xuất siêu là nhờ nền kinh tế có mức tăng trưởng dương, sức chống chịu của doanh nghiệp (DN) được cải thiện đáng kể, đồng thời đã tận dụng khá tốt thời cơ, ưu đãi từ việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt là EVFTA đi vào thực thi đã tạo ra sức bật cho một số ngành hàng XK. Hết tháng 11/2020, đã có 31 mặt hàng, nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 nhóm đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, tiêu biểu là hàng dệt may, điện thoại và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, phụ tùng...

Đến thời điểm này, dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại thị trường Mỹ và một số nước châu Âu khiến tình hình sản xuất, XK ngành dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng XK cuối năm. 

Tuy nhiên, dự báo tổng trị giá XK cả năm của ngành dệt may sẽ đạt khoảng 33,5-34 tỷ USD, giảm khoảng 14-15% so năm 2019, cao hơn dự báo trước đó là chỉ đạt 30-31 tỷ USD. Trong khi đó, đối với ngành da giày, sau hơn 4 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng XK của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về XK. 

Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và 2021. Tổng kim ngạch XK giày dép các loại tháng 11 ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng trước. Tính chung 11 tháng ước đạt 14,93 tỷ USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ.

Về thị trường, Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch gần 70 tỷ USD. Tiếp đến là Trung Quốc với 43 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) với 32 tỷ USD... Điều này cho thấy, hàng Việt Nam có khả năng thích ứng tốt trước điều kiện bất lợi do dịch COVID-19.

Doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới

TS. Lê Huy Khôi, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, việc Việt Nam gia tăng XK và duy trì xuất siêu là nhờ nhiều DN đã đầu tư chiều sâu cho sản xuất và bây giờ là lúc tận dụng thời cơ để XK. Hơn thế, ngày càng có nhiều sản phẩm trong nước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, dẫn đến giảm thiểu hàng nhập khẩu. 

Trong năm 2020, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng DN tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình XK hàng hóa. 

Đặc biệt, cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động đã và đang là động lực rất lớn trong việc phát triển các DN XK trong nước, cũng như thu hút mở rộng đầu tư và XK sản phẩm của các doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam là thành viên đã chính thức được ký kết, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam khi quy mô thị trường của các quốc gia tham gia hiệp định chiếm hơn 32% tổng GDP toàn cầu với hơn 2,2 tỷ dân và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Ths. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, RCEP sẽ tạo ra thị trường XK ổn định, lâu dài cho hàng Việt Nam. Tuy nhiên, đường đi sẽ không bằng phẳng, do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa các nước cũng như không ít điểm yếu nội tại của doanh nghiệp trong nước (quy mô nhỏ, dây chuyền công nghệ chậm đổi mới…). Vì vậy, để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần nhanh chóng áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. 

XK là điểm sáng, động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo Bộ Công Thương, để đạt kim ngạch XK 300 tỷ USD đề ra từ đầu năm là rất khó khăn, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, mà còn phụ thuộc vào sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng thế giới trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. 

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK và các thị trường XK sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy XK.

Lưu Hiệp
.
.
.