Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh - lắm rủi ro
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ giảm 27,7% so với cùng kỳ, sang EU giảm 14%, sang Nhật Bản giảm 10,4%...
Trong khi đó, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng mạnh. Riêng mặt hàng cá tra tăng đến 50,7% so với cùng kỳ. Mặc dù xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến trong khi các thị trường lớn của ngành thủy sản Việt Nam gặp khó khăn, nhưng đa số doanh nghiệp không chọn thị trường này để tiếp tục phát triển mà chỉ xem đó là giải pháp tạm thời? Vậy đâu là nguyên nhân?
Tại hội thảo bàn về việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cho rằng, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhưng lại không ổn định, không bền vững và điều quan trọng nhất là thị trường này tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
Trong những năm gần đây và đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2015, do sản lượng cá tra xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng mạnh nên phía Trung Quốc đã bắt đầu kiểm soát gắt gao vấn đề an toàn mặt hàng này đối với doanh nghiệp nhập hàng vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, việc kiểm soát này chỉ nhắm vào các doanh nghiệp nhập khẩu theo đường chính ngạch.
Trong khi đó, phần lớn hàng nhập vào Trung Quốc thì theo đường biên mậu, vừa không chịu thuế VAT, vừa không bị kiểm soát chất lượng nên các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch đã gặp trở ngại lớn trong việc cạnh tranh về giá so với hàng nhập không chính ngạch. Ngoài ra, doanh nghiệp còn gặp nhiều trở ngại khác như thiếu thông tin về xu hướng, biến động thị trường; các thủ tục nhập khẩu; chính sách của Trung Quốc... kể cả gặp khó trong việc đàm phán giá cả với đối tác Trung Quốc.
Chính vì quan niệm như vậy, nên nhiều doanh nghiệp cho rằng: Trong khi thủy sản Việt Nam đang gặp khó khăn tại các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU... thì việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được doanh nghiệp lựa chọn như là một giải pháp thay thế trước mắt.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP cũng nêu thực tế là hiện nay, tình trạng thương lái thu gom thủy sản nguyên liệu đưa qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu nguyên liệu chế biến, ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký với các đối tác. Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, Trung Quốc là thị trường lớn, thị trường tiềm năng của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành cá tra nói riêng.
Có thể thấy rằng, doanh nghiệp Việt Nam với Trung Quốc đã có quan hệ trao đổi mua bán từ rất lâu nhưng thực tế doanh nghiệp Việt vẫn chưa chú trọng đến việc quảng bá sản phẩm, chưa chú trọng việc khai thác mở rộng thị trường. Điển hình như mặt hàng cá tra, nhiều năm qua xuất khẩu mạnh vào thị trường này, nhưng hiện mặt hàng này không có thương hiệu tại thị trường Trung Quốc và chưa được người dùng nước này nhận diện.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho biết, thực tế đang tồn tại là có không ít doanh nghiệp bán hàng vào Trung Quốc nhưng không làm tốt khâu khảo sát nhu cầu thị trường nên dẫn đến việc doanh nghiệp không thể kiểm soát tốt giá cả, cũng như cung ứng lượng hàng đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Vì vậy bà Khanh cho rằng: “Chiến lược chắc chắn nhất để xâm nhập thị trường Trung Quốc là doanh nghiệp phải xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển thị trường bền vững”.