Xuất hiện dấu hiệu lợi dụng BHTN

Thứ Năm, 08/07/2010, 14:42
Bắt đầu từ 11/1/2010, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chính thức được triển khai chi trả cho những người không may bị mất việc. Đến nay, sau 6 tháng thực hiện, nhưng số người được hưởng không nhiều, đặc biệt là ở địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một vài dấu hiệu lợi dụng chế độ BHTN để trục lợi.

Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm, người lao động thiệt thòi

Theo số liệu mới nhất mà Phòng Bảo hiểm thất nghiệp thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, mới có 1.002 người đến nộp hồ sơ đăng ký BHTN. Con số này quá ít ỏi so với thực tế tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn. Nguyên nhân khiến lượng người hưởng còn "khiêm tốn", theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội, bởi đây là chính sách mới nên nhiều doanh nghiệp (DN) cũng như người lao động vẫn còn thiếu thông tin, đồng thời trong quá trình thực hiện cũng xuất hiện một số vướng mắc.

 "Mặc dù là địa bàn đông DN, đông lao động phổ thông, nhưng môi trường làm việc ở Hà Nội tương đối ổn định nên lượng người thất nghiệp so với tỷ lệ thực tế là không lớn. Con số này vốn đã không nhiều, mà lượng đăng ký BHTN lại quá ít, phản ánh thực tế là ở Hà Nội, công tác triển khai BHTN chưa thực sự đạt được hiệu quả" ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định.

Trong số 1.002 người đến đăng ký BHTN, có 572 người hoàn thiện hồ sơ, trong đó có 527 người đã có quyết định hưởng BHTN. Bên cạnh đó, còn có một lượng lớn lao động bị thất nghiệp dù có đăng ký nhưng không thể hoàn thiện hồ sơ nên không được hưởng.

Theo ông Chính, chậm chốt sổ BHXH là nguyên nhân chính khiến việc đăng ký và thụ hưởng BHTN của người lao động bị vướng. Lỗi này hoàn toàn từ phía  DN bởi trước đó các DN này thường trốn đóng hoặc chậm đóng bảo BHXH, BHTN (phần lớn DN ở các địa phương đều nợ BHXH từ 3-12 tháng). Trong khi đó theo quy định, sau 15 ngày đăng ký mà NLĐ không nộp sổ BHXH thì không hợp lệ và sẽ không được hưởng chế độ BHTN.

Người lao động đăng ký BHTN tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp Hà Nội.

Xuất hiện dấu hiệu trục lợi

Một nguyên nhân khác khiến ít người lao động thất nghiệp tìm đến đăng ký BHTN là do tâm lý ngại, hoặc chưa đủ thông tin để biết quyền lợi của mình được hưởng. Theo một báo cáo, đến tháng 5/2010 BHXH tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 13 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Sở LĐ-TB&XH chuyển sang để thực hiện việc cấp thẻ BHYT và chi trả trợ cấp BHTN. Đây là một con số khá khiêm tốn nếu so với số lượng người lao động  mất việc làm trên thực tế ở địa phương này. Trong số 43.500 lao động thuộc 1.400 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn đã tham gia BHXH, BHYT thì đến nay cũng mới chỉ có 16.000 lao động được tham gia BHTN...

Hiện nay, đã xuất hiện hiện tượng có những người lao động không bị thất nghiệp nhưng vẫn xin thất nghiệp để được hưởng bảo hiểm. Ông Vũ Trung Chính cho biết: Có hai đối tượng đến đăng ký BHTN là lao động phổ thông, công nhân làm việc ở khu lao động, khu chế xuất liên doanh nước ngoài và ngành dệt may. Khi kinh tế khó khăn, họ là những người lao động dễ bị mất việc nhất vì tính chất công việc và tay nghề lao động hạn chế.

Đối tượng thứ 2 là những lao động có trình độ đại học hoặc cao hơn, ngoại ngữ và chuyên môn cao, làm việc cho các văn phòng đại diện nước ngoài. Với những đối tượng này, thất nghiệp là chuyện cực kỳ hiếm. Tuy nhiên, có nhiều người đã tranh thủ chính sách BHTN, tìm cách nhảy việc rồi đăng ký BHTN để hưởng chính sách.

Cá biệt có những đối tượng tạm chuyển công việc sang một bộ phận khác để đi đăng ký BHTN. "Những đối tượng này phần lớn lương rất cao, cả hàng nghìn USD/tháng. Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, số người thuộc đối tượng chuyên môn cao đăng ký thất nghiệp chiếm khoảng 1/10, tức vào khoảng gần 100 người. Hiện nay, người được hưởng BHTN mức cao nhất là 23 triệu đồng/3 tháng. Đây là mức BHTN trung bình so với mức lương của nhóm đối tượng chuyên môn cao này. Với khoảng 100 người đến đăng ký, số tiền mà BHTN phải chi trả không hề nhỏ.

Dù đã phát hiện ra những dấu hiệu trục lợi BHTN, nhưng hiện vẫn chưa có một chế tài nào quy định về xử phạt. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu để tìm cách ngăn chặn và có quy định xử phạt nghiêm minh, tránh kiểu "mất bò mới lo làm chuồng", ông Chính đề nghị.

Theo quy định, người lao động phải đến đăng ký thất nghiệp trong vòng 7 ngày kể từ ngày bị mất việc làm và trong vòng 15 ngày phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng. Nếu không đăng ký, nộp hồ sơ kịp thời, người lao động coi như từ chối hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, 20 ngày sau, người lao động sẽ chính thức được nhận BHTN.

Lệ Thúy
.
.
.