Xử phạt doanh nghiệp vi phạm về chứng khoán quá nhẹ!?

Thứ Tư, 07/05/2008, 08:53
Hàng chục doanh nghiệp (DN) bị Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ký quyết định xử phạt vì vi phạm chứng khoán. Thế nhưng, vi phạm vẫn tiếp nối vi phạm. Có phải vì mức xử phạt quá nhẹ?

Trong thời buổi người người lên sàn, nhà nhà lên sàn, các DN cũng đua nhau niêm yết trên sàn chứng khoán. Và tỷ lệ thuận với số lượng DN niêm yết trên sàn là số DN bị phạt vì vi phạm cũng tăng lên.

Kể từ đầu tháng 5/2008 đến nay, Thanh tra UBCKNN đã phải ký quyết định xử phạt hai công ty, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động đã cấp cho Công ty TNHH Liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Agribank - VGFM (AVIM).

Trước đó, ngày 29/4, Chánh Thanh tra UBCKNN ký Quyết định số 44/QĐ-TT về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Xây dựng số 15 vì lý do nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng không đúng thời hạn theo quy định, đã vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Mức tiền phạt đối với Công ty này là 30 triệu đồng.

Riêng trong ngày 2/5, có hai công ty bị Chánh Thanh tra UBCKNN ký quyết định xử phạt là Công ty cổ phần Thế kỷ 21 và Công ty cổ phần Giao nhận vận tải Ngoại thương.

Theo các quyết định trên, trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 10/2007, Công ty cổ phần Thế kỷ 21 đã thực hiện liên tiếp 3 đợt phát hành chứng khoán ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 37 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng và phân phối chứng khoán không đúng quy định của pháp luật.

Trong tháng 12/2007, Công ty cổ phần Thế kỷ 21 đã thực hiện việc mua lại cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo với UBCKNN trước và sau khi thực hiện phát hành. Tổng cộng mức phạt là 60 triệu đồng.

TS Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (thuộc UBCKNN) cho rằng: Hiện nay, vì khung mức phạt tối đa cho vi phạm hành chính là 70 triệu đồng nên UBCKNN cũng chỉ có thể cân đối trong khung này.

Với mức phạt này rõ ràng là không có tính răn đe, vì khi một DN vi phạm, số tiền mà họ huy động được trước đó lên đến nhiều tỷ đồng, nên nhiều DN cố tình vi phạm vì nộp phạt một vài chục triệu không thấm vào đâu.

Việc hủy kết quả phát hành là rất khó, vì nó sẽ không chỉ ảnh hưởng đến DN mà các nhà đầu tư cũng thiệt hại, và còn ảnh hưởng đến an sinh xã hội. "Nếu DN tăng vốn mà không có lộ trình phát triển sản xuất kinh doanh, không tập trung đồng vốn huy động được từ cổ đông vào sản xuất và thế mạnh của mình; phát hành chứng khoán huy động vốn rồi đầu tư vào dự án quá dàn trải, không có sự phân tán rủi ro trong đầu tư, thì trước tiên chất lượng cổ phiếu đã bị ảnh hưởng, rồi dẫn đến hệ quả kết quả kinh doanh kém và cuối cùng cả DN và nhà đầu tư đều phải gánh thiệt thòi", một chuyên gia kinh tế khuyến cáo

Lệ Thúy
.
.
.