Xử lý trên 129 nghìn vụ hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại

Thứ Bảy, 29/08/2015, 06:23
Ngày 28/8, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức họp báo chuyên đề về kết quả đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) 8 tháng đầu năm.

Theo số liệu báo cáo, 8 tháng đầu năm 2015, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các bộ, ngành địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp đẩy mạnh phối hợp đấu tranh có hiệu quả, phát hiện, bắt giữ, xử lý 129.575 vụ việc vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế ước đạt 6.571 tỷ 903 triệu đồng; khởi tố 844 vụ/ 989 đối tượng.

Trong số 129.575 vụ việc vi phạm thì có tới 9.733 vụ là sản xuất, kinh doanh hàng giả. Chỉ trong khoảng thời gian từ 15/7/2015 đến 15/8/2015 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý 671 vụ việc vi phạm liên quan đến mặt hàng thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm; thu nộp NSNN ước đạt 3.645 tỷ đồng.

Hàng hoá trong nhiều thùng carton, bao tải dứa trên 5 xe tải khách hoán cải bị lực lượng chức năng phát hiện.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến rất phức tạp. Quy mô hoạt động của tội phạm kinh tế nói chung, trong đó có buôn lậu, GLTM cũng có nhiều sự thay đổi, hình thành các đường dây buôn lậu lớn, được câu kết, tổ chức chặt chẽ, quy mô hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, có sự tham gia tiếp tay của nhiều thành phần, tầng lớp đối tượng trong và ngoài nước với phương thức thủ đoạn tinh vi, tập trung nhiều hơn vào lợi dụng cơ chế, chính sách để vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống, sức khoẻ, tinh thần và nhận thức của nhân dân, tác động xấu đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, các địa bàn trọng điểm là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, An Giang, Đồng Tháp…

Các mặt hàng vi phạm trọng điểm là ma tuý, vũ khí, động vật hoang dã, gỗ, ngoại tệ, vàng, rượu ngoại, xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá ngoại, ôtô, máy móc thiết bị, điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng bách hoá Trung Quốc, hàng thời trang, thực phẩm chức năng, rác thải… các đối tượng vi phạm gồm doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất, nhập khẩu, cá nhân xuất cảnh, nhập cảnh, cư dân biên giới.

Mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an); Phòng PC46 - Công an tỉnh Hưng Yên và Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên kiểm tra, bắt giữ 5 xe ôtô khách mang BKS 99B-005.76; 14N-2012; 14N-1277; 15B-01901 và 14B-00779 vận chuyển trái phép số lượng lớn hàng bách hoá không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp từ khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh vào nội địa tiêu thụ.

Theo kết quả khám xét ban đầu, Tổ công tác liên ngành đã phát hiện 41 xe đạp, 1.934kg và 1.985 phụ kiện xe đạp các loại; 444 sản phẩm phụ kiện ôtô, xe máy; trên 6.000 sản phẩm mỹ phẩm, 125 dụng cụ làm tóc; trên 3.900 món và 1.100kg đồ chơi trẻ em; 982 đôi dép và trên 18.900 sản phẩm quần, áo, tất, đồ lót nam nữ; 513 hộp gạch men… Toàn bộ hàng hoá vi phạm ước tính trên 1 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hầm chứa hàng trên xe ôtô.

Lý giải vấn đề phát hiện và bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc mà hoạt động buôn lậu, GLTM vẫn diễn biến phức tạp, ông Cẩn cho rằng: Tất cả hàng tiêu dùng Việt Nam từ tăm, bông ngoáy tai, điện thoại di động, quần áo… các đối tượng đều nhập khẩu, trốn, làm giả thậm chí cả làm giả thương hiệu Việt Nam. Trong đó một số lượng hàng hoá lớn, đang chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm giả bao bì, giả nhãn mác, trốn thuế.

Về vấn đề này, ông Cẩn cho biết thêm, trước đó, tại diễn đàn quy tụ hơn 100 tổng giám đốc đại diện cho DN Việt Nam đã có thông báo: 1 năm nguyên hàng giả, bắt giữ khoảng 19.000 vụ vi phạm nhưng chưa được 10 DN có hàng hóa bị làm giả quan tâm tới vấn đề này. Nguyên nhân bởi bản thân DN sợ bị ảnh hưởng đến doanh thu; một bộ phận cấp dưới hoặc chi nhánh, đại lý, cửa hàng trà trộn vào bán ăn chênh lệch giá và trục lợi; một phần lực lượng chức năng trước đây chưa thực sự vào cuộc.

Theo quan điểm của Ban chỉ đạo 389, các vụ phát hiện, bắt giữ sẽ công khai xử lý nghiêm. Các hiệp hội, DN cần phải thể hiện vai trò, trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ thương hiệu, quyền lợi chính đáng thông qua các hoạt động phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin đảm bảo chính xác, kịp thời cho các lực lượng thực thi, đặc biệt là đường dây nóng của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia: 0981.389.389 hoặc 0961.389.389.

Lưu Hiệp
.
.
.