Xử lý nghiêm những trường hợp gây “sốt” giá, thông tin thất thiệt về thị trường
Tại cuộc họp trực tuyến sáng 3/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo: Tất cả những trường hợp xảy ra "sốt" giá, thông tin thất thiệt về thị trường, gây hoang mang trong dư luận cần phải được điều tra, xử lý nghiêm.
Sáng 3/12, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp trực tuyến để kiểm điểm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường và thống nhất những giải pháp cấp bách kiềm chế lạm phát.
Cuộc họp do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Công thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các Bộ, ngành liên quan; trực tuyến đến 53 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Nhận định tình hình, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ, thời gian qua, giá cả tại một số địa phương biến động tăng cao. Ngoài giá vàng, giá USD, các mặt hàng thực phẩm và vật liệu xây dựng đều tăng trong bối cảnh cân đối cung cầu, sản xuất hàng hóa vẫn được bảo đảm. Hiện tượng này có nguyên nhân từ yếu tố khách quan (chi phí đẩy) như: Giá xăng dầu, bông xơ, giấy, cao su, nhân điều… thế giới tăng. Nguyên nhân chủ quan (chi phí kéo) từ phía thị trường nội địa: Giá vàng, giá USD tăng cao tác động đến tâm lý người dân, kéo theo giá cả các mặt hàng khác.
Phó Thủ tướng đánh giá: Các giải pháp từ đầu năm của Bộ, ngành, địa phương mặc dù đã phát huy tác dụng nhưng vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục, nhất là khâu kiểm tra, kiểm soát thị trường. Việc triển khai công tác này cũng chưa có sự phối hợp của các ngành chức năng, trong khi đó, vi phạm về giá là rất nhiều, số vụ bị xử lý lại thấp. Chưa có cơ chế kiểm soát siêu lợi nhuận trong kinh doanh; việc điều tra, kiểm soát giá độc quyền vẫn dừng lại ở xử lý hành chính. Đặc biệt lưu ý các Bộ, ngành, địa phương phải chú trọng công tác này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, nếu không có những biện pháp kiểm soát giá, kiểm tra thị trường tốt thì tình hình giá cả trong nước sẽ còn diễn biến bất lợi hơn.
Đồng tình với những giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm thắt chặt kiểm soát giá cả hàng hóa thị trường từ nay đến cuối năm, nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương tại buổi giao ban kiến nghị Chính phủ hướng trọng tâm, trọng điểm khâu kiểm tra, kiểm soát vào những mặt hàng thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ ăn uống. Đáng lưu ý, các địa phương cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung mức xử phạt vi phạm hành chính về thị trường giá cả theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Tổng hợp các ý kiến tại buổi giao ban, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận, việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới vẫn là mục tiêu hàng đầu, do vậy các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp tháo gỡ sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhất là các địa phương chịu thiệt hại sau bão lụt vừa qua. Ngoài duy trì, đẩy mạnh sản xuất, các địa phương còn phải chú ý đến công tác bảo đảm lưu thông hàng hóa, những vấn đề về hạ tầng, bởi đây cũng là yếu tố góp phần đội giá thành sản phẩm trên thực tế.
Phó Thủ tướng đồng ý hoãn thu lệ phí đối với các cơ sở chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm được quy định tại Thông tư 136 của Bộ Tài chính theo đề nghị của các địa phương.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương và các địa phương phải theo dõi thường xuyên cung cầu hàng hóa, cân đối nguồn hàng dự trữ để tránh xảy ra "sốt giá" thị trường. Bộ Tài chính có trách nhiệm sửa đổi Nghị định xử lý vi phạm hành chính thị trường giá cả, trình Chính phủ thông qua để có chế tài đủ mạnh trong xử lý vi phạm. Tất cả những trường hợp xảy ra "sốt" giá, thông tin thất thiệt về thị trường, gây hoang mang trong dư luận cần phải được điều tra, xử lý nghiêm