Xử lý nghiêm mọi hành vi trục lợi chính sách ưu đãi của Chính phủ

Thứ Bảy, 28/02/2009, 15:48
Để gói kích cầu 17.000 tỷ đồng và chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đi đúng hướng, đúng địa chỉ, các ngân hàng khẳng định sẽ tập trung hậu kiểm. Ngoài những giải pháp thuộc về chuyên môn, cơ quan Cảnh sát kinh tế cũng lưu ý: Khi có dấu hiệu lợi dụng chính sách ưu đãi để trục lợi, ngân hàng cần thông báo ngay để nhận được hỗ trợ nghiệp vụ…

Thiếu tướng, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Nguyễn Tiến Lực nói: Chống lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước để trục lợi, lúc này cần nhất sự phối hợp giữa hai bên. Thông điệp được hiểu, cơ quan Cảnh sát đến với ngân hàng trước hết để bảo vệ chính ngân hàng, về vĩ mô là bảo vệ hoạt động đúng đắn (đúng mục đích, chủ trương, đối tượng) của chính sách miễn, giảm thuế, hỗ trợ bằng các gói kích cầu ngăn chặn đà suy giảm kinh tế của Chính phủ. Nhận thức khách thể bảo vệ quan trọng đặc biệt như vậy, các ngân hàng cam kết siết chặt cùng cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương: Kiểm tra chéo phát hiện động cơ trục lợi

Ông Mạnh thừa nhận: Việc hỗ trợ lãi suất có thể xuất hiện một số hành vi lợi dụng để trục lợi như vay không đúng mục đích, vay nhằm đầu tư vào các hoạt động sinh lợi khác không thuộc danh mục quy định; vay nhưng không đầu tư mà chuyển khoản đã vay, quay lại gửi ngân hàng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Một mặt, rủi ro có thể xuất phát từ việc không lường hết các tình huống của cán bộ ngân hàng…

Nhưng đã có cách - ông nói - Cụ thể, "chúng tôi sẽ giao nhiệm vụ cho các bộ phận kiểm tra của ngân hàng để kiểm tra chéo. Việc kiểm tra chéo có thể phát hiện cán bộ ngân hàng nào có dụng ý không tốt trong giao dịch với doanh nghiệp, từ đó lộ diện hành vi.

Với khách hàng, 13 lĩnh vực không được vay ưu đãi theo Quyết định 131 của Chính phủ thì nhất quyết phải tiền kiểm rõ như: Nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng; đầu tư và kinh doanh chứng khoán; kinh doanh bất động sản dưới hình thức mua, bán quyền sử dụng đất…

Khách hàng phải cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất đã ghi trong hợp đồng tín dụng. Nếu sử dụng vốn vay không đúng mục đích theo đối tượng hỗ trợ lãi suất thì không được hỗ trợ lãi suất và phải hoàn trả cho ngân hàng số lãi tiền vay được hỗ trợ trước đó và bị xử lý theo pháp luật.

Hình thức xử lý chủ yếu thông qua chế tài hợp đồng tín dụng, trường hợp nghiêm trọng, phức tạp đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét, xử lý. Cán bộ ngân hàng nào bị phát hiện có hành vi tiêu cực cũng sẽ thông báo cho phía Công an theo dõi, xử lý".

Ông Lại Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển: Nối máy với CSKT khi cần thiết

Ngân hàng Phát triển được giao thêm việc giải quyết nguồn tài chính trợ cấp cho lao động bị mất việc, thôi việc, trả lương, bảo hiểm xã hội cho lao động do khủng hoảng tài chính.

Quá trình thực hiện có thể phát sinh những kẽ hở bị lợi dụng như: Doanh nghiệp kê khống số lao động bị mất việc, thôi việc để hưởng lợi nguồn vốn (lãi suất 0%); doanh nghiệp còn tiềm lực tài chính để trả lương, bảo hiểm cho lao động mất việc nhưng muốn hưởng lợi nên tìm cách thoái thác không trả, vay vốn đầu tư vào mục đích khác.

Vấn đề nữa: Tiền có đến tay lao động đầy đủ? Việc chia tiền hỗ trợ ăn Tết cho hộ nghèo vừa rồi là bài học để ngân hàng không khỏi lo ngại việc doanh nghiệp vay tiền hưởng lãi suất 0% nhưng lao động thực tế lại không được hưởng gì hoặc hưởng rất ít so con số ghi trên giấy tờ.

Ông Đạo quả quyết: Tiền kiểm chỉ giải quyết một số yêu cầu khi cho vay, quan trọng phải hậu kiểm. Phải trực tiếp giám sát sau khi vay. Doanh nghiệp nào vay lãi suất 0% theo hợp đồng rồi nhưng lại đầu tư vào việc khác, không giải quyết đầy đủ tiền lương, BHXH cho lao động, có hành vi che đậy, bớt xén hoặc sử dụng sai mục đích sẽ giám sát kỹ. "Doanh nghiệp nào vi phạm phức tạp, sau khi kiểm tra, chúng tôi sẽ chuyển tài liệu để Cảnh sát kinh tế vào cuộc xử lý" - ông quả quyết.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Hậu kiểm sẽ lộ diện người vay không đúng mục đích

"Gói kích cầu đi nhanh ngày nào thì doanh nghiệp có thể bớt sức ép, gánh nặng ngày đó. Về vĩ mô, khi toàn bộ gói kích cầu đi vào cuộc sống, kinh tế sẽ bớt khó khăn, chặn một bước đà suy giảm" - ông Bảo nói. Việc cho vay cơ bản áp dụng cơ chế thông thường, ngân hàng không áp dụng cơ chế khác khắt khe hơn, điều này có nghĩa diễn biến cho vay, thanh khoản bình thường, không thắt chặt, vấn đề là đúng điều kiện, tiêu chuẩn. Khách hàng đủ điều kiện được ngân hàng thương mại xem xét cho vay, phải công khai, minh bạch.

- Nhưng minh bạch, chống lợi dụng bằng cách nào?

Ông nói: Chúng tôi quy định chi tiết việc thi hành, việc minh bạch hay không ở chỗ phân chia đối tượng được hỗ trợ lãi suất. 13 lĩnh vực không thuộc diện này đều phải đối chiếu, áp dụng đúng. Các khoản cho vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam; các khoản cho vay ngắn, trung và dài hạn bằng ngoại tệ không thuộc diện vay ưu đãi. Công khai, minh bạch áp dụng đối với hai bên: Cán bộ ngân hàng và khách hàng.

Ông cũng thống nhất quan điểm "vi phạm xử lý thông qua chế tài hợp đồng tín dụng, trường hợp nghiêm trọng xử lý mức cao hơn, chuyển cơ quan pháp luật". Đối với ngân hàng phải kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, khi có vấn đề cần tháo gỡ phải báo cáo ngay Ngân hàng Nhà nước.

Việc "tiền kiểm" chỉ tiến hành mức thích hợp bởi nếu do dự, thận trọng quá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, không đúng chủ trương hỗ trợ nhanh, kịp thời để doanh nghiệp chèo chống chặn đà suy thoái. Do đó, chủ yếu đẩy mạnh hậu kiểm, coi đây là biện pháp chính để kiểm tra tính đúng đắn sử dụng vốn vay, có bị lợi dụng hay không

Đăng Trường
.
.
.