Xử lý hàng loạt vi phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng

Thứ Sáu, 12/09/2014, 12:29
43,73% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), 17,53% các mẫu TPCN được kiểm nghiệm cho kết quả không đạt tiêu chuẩn công bố, quảng cáo TPCN "bát nháo" trên các phương tiện thông tin đại chúng… là hàng loạt các vi phạm của mặt hàng TPCN đã bị cơ quan chức năng xử phạt từ đầu năm 2014 đến nay.
>> Chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo thuốc và thực phẩm chức năng sai phép
>> Thận trọng với những quảng cáo thực phẩm chức năng

Thời điểm này, nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hết bàng hoàng khi thông tin về TPCN An Cung Ngưu Hoàng Hoàn có chứa chất độc gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Trước đó, trong quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã phát hiện sản phẩm TPCN có tên An Cung Ngưu Hoàng Hoàn được nhập từ Triều Tiên ngoài các dược liệu thông thường, còn có một số dược liệu độc như Hùng Hoàng, Thần Sa, Chu Sa và xạ hương, nhất là có hàm lượng kim loại nặng (chì, thủy ngân, asen) vượt gấp hàng nghìn lần cho phép, gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Do vậy, việc sử dụng An Cung Ngưu Hoàng Hoàn dưới dạng TPCN là rất nguy hiểm. Rất may cơ quan chức năng đã kiểm tra và phát hiện, ngăn chặn sớm. Nếu không, hậu quả từ việc sử dụng loại thực phẩm chức năng này là không thể lường hết được.

Lực lượng Công an và QLTT Hà Nội đang kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng.

Không chỉ TPCN An Cung Ngưu Hoàng Hoàn, đại diện Cục ATTP cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, với tổng số 97 mẫu TPCN được kiểm nghiệm thì đã có 17 mẫu không đạt yêu cầu các chỉ tiêu như hàm lượng một số Vitamin A, D, E, C hoặc hàm lượng khoáng chất như canxi, hàm lượng vi chất dinh dưỡng như Acid hoặc axitamine hoặc hàm lượng thành phần hoạt chất không đạt so với công bố. Gần đây nhất, ngày 25/8, Cục ATTP đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Văn Duy Phương, buộc Công ty này phải thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm Triple Strength Glucosamin, Chondroitin & MSM đã nhập khẩu có chất lượng không đạt so với tiêu chuẩn đã công bố. Đồng thời, Cục cũng đã thu hồi Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP đã cấp cho sản phẩm TPCN yêu cầu Công ty này nộp lại Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP về Cục, đình chỉ hoàn toàn việc lưu hành sản phẩm TPCN từ ngày 25-8.

Bên cạnh vấn đề chất lượng, hiện nay, nhiều sản phẩm TPCN đã được các đơn vị chủ quản quảng cáo "vống" về chức năng giống như thần dược và có tác dụng chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng gây hiểu lầm cho người sử dụng. Đây chính là những "chiêu trò" của những đơn vị này hòng thu hút sự chú ý, tin tưởng của người tiêu dùng để bán sản phẩm. Trước tình trạng "bát nháo" trong hoạt động quảng cáo này, Cục ATTP cũng đã xử phạt nhiều vi phạm.

Như ngày 29/8, Cục đã thu hồi hiệu lực 3 Giấy tiếp nhận đăng ký quảng cáo đã cấp cho 3 sản phẩm TPCN: Định xuyễn hoàn; Kim thận bảo số 2; Kim thận bảo số 1 của Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Nam Á. Lý do là Công ty này đã quảng cáo các sản phẩm TPCN có nội dung không đúng với nội dung quảng cáo đã đăng ký. Cùng với thu hồi 3 giấy phép, Cục cũng đã đình chỉ hoàn toàn việc quảng cáo 3 sản phẩm này.

Trao đổi với Báo CAND, ông Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng phòng Công tác Thanh tra, Cục ATTP cho biết,  từ đầu năm 2013 đến tháng 6/2014, Cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương đồng loạt triển khai đợt thanh tra, kiểm tra ATTP tại các cơ sở TPCN. Với tổng số 4.514 cơ sở được thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 1.974 cơ sở có vi phạm các quy định về ATTP chiếm 43,73%. Các nội dung vi phạm chủ yếu bao gồm: vi phạm các quy định về sức khỏe, kiến thức, thực hành ATTP của người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm chiếm 30,3% số cơ sở được kiểm tra, vi phạm về quảng cáo TPCN chiếm 19,01% với các hành vi như quảng cáo khi không có giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký, quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh… vi phạm về ghi nhãn chiếm 9,05%... 

Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra và các địa phương đã xử phạt hành chính đối với 140 cơ sở, trong đó cảnh cáo 36 cơ sở, thu hồi 10 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, 1 giấy xác nhận nội dung quảng cáo, đình chỉ hoạt động 16 cơ sở, đình chỉ lưu hành 105 sản phẩm do không đạt chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc hoặc có nhãn không đúng quy định, buộc tiêu hủy 60 loại sản phẩm, buộc thu hồi, tiêu hủy 150 loại tài liệu quảng cáo sai quy định.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên thì khi có nhu cầu sử dụng TPCN, người tiêu dùng cần tìm mua ở các cơ sở cố định, không mua theo con đường trôi nổi, xách tay, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn mác hoặc nhãn mác bị mờ, có dấu hiệu bị ẩm, mốc… Các cơ sở kinh doanh phải có địa chỉ cụ thể, có giấy phép đăng ký kinh doanh rõ ràng. Đặc biệt, người dân không nên nghe bất kể những lời quảng cáo TPCN nào có tác dụng chữa bệnh. Bởi thực phẩm chức năng không phải là thuốc và không có tác dụng chữa bệnh. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường, người dân cần báo cho cơ quan chức năng từ các cấp để có biện pháp kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm

Nguyễn Hương
.
.
.