“Xóa bỏ kinh doanh vàng miếng” cần có lộ trình, thận trọng

Thứ Hai, 04/04/2011, 16:02
Để tránh tạo ra cú sốc cho thị trường và ảnh hưởng tới tâm lý của người dân, trước mắt không nên cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng, mà nên quy định điều kiện kinh doanh vàng miếng để góp phần giảm bớt các cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể.
>> Cấm kinh doanh tự do chứ không cấm người dân giữ vàng

Chủ trương xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do đã được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu trình phương án thực hiện. Thông tin này đã có tác động rất lớn đến thị trường vàng vốn rất nhạy cảm, gây nhiều xáo trộn trong tâm lý của người dân. Trong khi cơ quan chức năng đang soạn thảo phương án, nhiều ý kiến đưa ra góp ý, xây dựng để hoàn thiện chủ trương một cách hợp lý nhất, cũng như chỉ ra những khó khăn, thách thức khi thực hiện chủ trương này.

3 khó khăn khi Nhà nước tích trữ vàng thay dân

Khi thực hiện chủ trương tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, NHNN cho biết cơ quan này sẽ là đầu mối thu mua vàng miếng trong dân thông qua hệ thống các đơn vị được chỉ định. Theo các số liệu thống kê cho thấy, lượng vàng "gối đầu" trong dân rất lớn, lên tới 500 tấn, như vậy, nếu thực hiện thu mua, NHNN sẽ phải chi ra một khoản tiền tương đương 20 tỷ USD.

Bàn về những vấn đề này, trên nhiều diễn đàn, ông Phí Đăng Minh, nguyên Vụ phó Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho rằng, để thu mua vàng trong dân, NHNN sẽ phải đối mặt với 3 khó khăn, gồm vấn đề lạm phát, rủi ro về giá và tâm lý tích trữ trong dân.

Trước tiên cần tính đến việc phát hành tiền ra với số lượng khá lớn để mua vàng sẽ tác động đến chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI), mà việc này có thể chưa phù hợp với chủ trương của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là ưu tiên tập trung kiềm chế lạm phát. Do đó cần phải có những phân tích sâu sắc về việc tăng cung ứng tiền để mua vàng, Việc phát hành tiền để mua vàng có đặc điểm là được đảm bảo bằng vàng, ngoại tệ, nên ảnh hưởng đến lạm phát có thể không nhiều.

Ngược lại nếu Nhà nước mua được số vàng trong dân, hoán đổi ra ngoại tệ sẽ góp phần cân đối được cung cầu ngoại tệ, giải tỏa được áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên cũng cần đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng, từ đó có thể rút ra mặt lợi, mặt hại của vấn đề này. Thực tế cho thấy biện pháp nào cũng có 2 mặt, song nếu "lợi" nhiều hơn "hại" thì vẫn nên lựa chọn.

Thứ hai, rủi ro sẽ rất lớn nếu sau khi NHNN mua mà giá vàng thế giới giảm mạnh, như đã xảy ra trong những năm 90 thế kỷ trước. Thí dụ khi Nhà nước mua, giá vàng quốc tế là 1.400 USD một ounce. Sau 6 tháng giá vàng thế giới có thể giảm xuống còn 700 hoặc 1.000 USD một ounce. Khi đó mặc dù số vàng dự trữ trong kho không thay đổi về số lượng tuyệt đối, song giá trị hạch toán quy đổi ra ngoại tệ và VND sẽ giảm mạnh. Khi đó, yếu tố "an toàn", một trong ba nguyên tắc cơ bản về quản lý ngoại hối dự trữ của Nhà nước sẽ bị vi phạm, trách nhiệm của NHNN sẽ rất lớn.

Để tránh được rủi ro về giá cả biến động, việc mua vàng dự trữ trong dân phải được xây dựng thành đề án hoàn chỉnh, có tính đến các biện pháp ứng phó cần thiết, đảm bảo số vàng mua được phải thực hiện hoán đổi ra ngoại tệ ngay, càng nhanh càng tốt mới tránh được thiệt hại.

Thứ ba, tâm lý mua vàng tích trữ đề phòng giá cả biến động đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen của người dân. Mặt khác, trong nhiều năm qua chính sách quản lý vàng của Nhà nước tương đối thông thoáng, việc mua bán vàng miếng, nữ trang khá thuận lợi, càng tăng thêm tâm lý muốn giữ vàng của người dân. Vì thế việc huy động mua vàng của người dân sẽ không dễ dàng, nhất là trong tình hình kinh tế trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, chính trị thế giới thiếu ổn định, lạm phát của nhiều nước gia tăng...

NHNN chủ trương thu mua lại vàng miếng từ trong dân. Ảnh: Trần Việt.

Hiệp hội Kinh doanh vàng: Trước mắt, chưa nên cấm hẳn

Trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Kinh doanh vàng  đã đề xuất một số giải pháp và lộ trình cụ thể nhằm xây dựng Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo văn bản này, hiện nay trên cả nước có 8 thương hiệu vàng miếng, trong đó vàng miếng SJC chiếm thị phần khoảng 90%, vàng SJC và PNJ đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn thương hiệu quốc gia. Trước đây, khi chưa có vàng miếng, người dân chỉ có thể mua vàng trang sức để cất trữ nên đã chịu rất nhiều thiệt thòi vì tuổi vàng (chất lượng), trọng lượng không được đảm bảo.

Việc xuất hiện vàng miếng ở Việt Nam là kết quả tất yếu của xu thế hội nhập và tiếp cận loại hình kinh doanh vàng vật chất tiên tiến của thế giới. Vì vậy từ khi vàng miếng được lưu hành trên thị trường, gần như đã chấm dứt tình trạng gian lận thương mại, bớt tuổi vàng, và quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm. Thời gian qua, vàng miếng gần như chỉ là sản phẩm hàng hóa giúp người dân cất trữ, bảo toàn giá trị tài sản, và không còn chức năng tiền tệ như những năm cuối của thế kỷ trước.

Trong điều kiện lạm phát đang có xu hướng tăng cao và kéo dài, thì chắc chắn người dân không thể từ bỏ nhu cầu tích trữ vàng. Nếu cấm kinh doanh vàng miếng thì người dân sẽ chuyển sang mua vàng dưới dạng nhẫn, vòng, kiềng hay các sản phẩm mỹ nghệ bằng vàng như con vật, tượng... như đã và đang xảy ra gần đây trên thị trường, và thực tế cũng không làm giảm lượng vàng nguyên liệu để chế tác ra các sản phẩm vàng so với chế tác vàng miếng. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, gây tốn kém nhiều chi phí cho xã hội, khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm, gây thiệt thòi cho người dân.

Nếu chỉ cho phép người dân bán nhưng không được mua vàng miếng thì kỳ vọng người dân bán vàng cho NHNN sẽ không cao. Đồng thời, nếu xử lý chính sách không đồng bộ thì đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng áp lực lạm phát. Hơn nữa, các thương hiệu vàng miếng của Việt Nam đã và đang được giao dịch tại phần lớn các quốc gia trong khu vực, như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Lào… Nếu cấm kinh doanh vàng miếng, thì sẽ làm giảm uy tín thương hiệu quốc gia về vàng miếng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Để tránh tạo ra cú sốc cho thị trường và ảnh hưởng tới tâm lý của người dân, trước mắt không nên cấm hoàn toàn hoạt động kinh doanh vàng miếng, mà nên quy định điều kiện kinh doanh vàng miếng để góp phần giảm bớt các cửa hàng, hộ kinh doanh vàng cá thể. Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng cần đáp ứng một số điều kiện như phải có giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp; vốn pháp định tối thiểu 30 tỷ VND; doanh thu trong 2 năm gần nhất là 500 tỷ VND trở lên….

Hiện nay, tổng số vàng vật chất trên toàn thế giới khoảng 163.000 tấn. Nhu cầu vàng của các nước trên thế giới năm 2010 lên đến 3.812,2 tấn, có giá trị tương đương 150 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2009. Trong khi đó sản lượng khai thác vàng của thế giới chỉ khoảng 2.600 tấn mỗi năm, thấp hơn nhiều so với nhu cầu vàng.

Lưu Thủy
.
.
.