Xe buýt ở TP HCM: Vắng nhưng khó thu hút khách

Thứ Tư, 29/12/2010, 09:35
Kết quả khảo sát về nguyên nhân hành khách chưa hài lòng với chất lượng của xe buýt, của Trung tâm quản lý - điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM cho thấy: Có tới 45% số ý kiến cho rằng do phóng nhanh, vượt ẩu; 37% ý kiến phản ánh về thái độ phục vụ và phân biệt đối xử với hành khách là 10%... Nhưng với thực trạng hiện nay, còn hàng loạt nguyên nhân khác khiến xe buýt khó thu hút khách đi xe. 

Thu khoản nhỏ, bỏ mục tiêu lớn? 

Dù khoản tiền trợ giá cho xe buýt đã tăng chóng mặt sau mỗi năm, thì từ đầu năm 2011, giá vé xe buýt trên các tuyến có trợ giá lại tiếp tục tăng 1.000 đồng/vé. Lý do tăng giá vé theo giải thích của ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT với HĐND thành phố, việc này sẽ giúp ngân sách giảm chi được 70 - 80 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, khi thành phố đã chấp nhận bỏ ra gấp 10 lần số tiền như vậy để trợ giá trong 1 năm nhằm mục đích tăng tỷ lệ người sử dụng phương tiện công cộng lên, giảm lượng người đi xe máy… thì việc tăng giá vé đã đi ngược lại mục tiêu này. Bởi tăng giá vé xe buýt, khách đi lại với hành trình ngắn nhất, chỉ với một tuyến đi và tuyến về cũng tốn thêm 2 ngàn đồng/ngày.

Nhưng trước tình trạng các tuyến xe buýt phải hoạt động đơn lẻ do quy hoạch đường 1 chiều đồng loạt như hiện nay, hành khách đi xe buýt ít nhất phải qua 2 chặng, cả đi và về sẽ tốn thêm 4 ngàn đồng. Số tiền này là không đáng kể với những người có điều kiện, song đối tượng đi xe buýt là sinh viên, công nhân, công chức… thì đây là cả một vấn đề phải tính toán.

Số liệu khảo sát của TS Phạm Xuân Mai, Trường ĐHBK TP HCM đã cho thấy có tới một nửa số hành khách đi xe buýt h?ng ngày là đối tượng thu nhập thấp và học sinh, sinh viên; cán bộ viên chức đi xe buýt tới chỗ làm chỉ chừng 20%.

Thực tế cũng cho thấy, chủ yếu do kẹt xe, chậm giờ, năm 2009 lượng hành khách đi xe buýt đã giảm hơn 62 ngàn lượt/ngày, chỉ còn bình quân 937,6 ngàn lượt khách/ngày. Sang năm 2010, số lượng hành khách đi xe buýt đã tăng lên 1,2 triệu lượt khách/ngày. Tổng số khách đi xe buýt hằng ngày tăng mạnh lẽ ra là tín hiệu đáng mừng.

Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu dựa vào việc cho mở thêm một loạt các tuyến xe buýt liên tỉnh, tuyến vành đai. Ngược lại, số tuyến xe buýt có trợ giá đã không giảm được, mà lượng khách đi trên các tuyến xe buýt cũ tiếp tục giảm khoảng 2% so với năm trước. Để đi lại, chắc chắn số hành khách này phải quay lại với việc sử dụng xe máy cá nhân, điều này tiếp tục khiến vấn nạn kẹt xe trên địa bàn thêm căng thẳng.

Còn cả những nỗi ám ảnh khác

Với người đi trên đường, xe buýt đã không mấy nhận được thiện cảm khi tài xế thường xuyên lợi dụng quyền được ưu tiên để giành đường, lấn tuyến. Với người trên xe buýt, lý do để chán sử dụng loại phương tiện này có quá nhiều. Đặc biệt là theo khảo sát của TS Phạm Xuân Mai, tỷ lệ các tuyến xe buýt trùng nhau lên tới 57% và điều này thể hiện rõ nhất là trên các tuyến đường xuyên tâm chạy qua khu vực trung tâm như CMT8, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ… hằng ngày có 6 - 8 tuyến xe buýt chạy qua.

Xe vi phạm bị CSGT bị biên bản xử phạt. Ảnh: Đ.T.

Xe buýt "vón cục" lại gây kẹt xe nghiêm trọng cho người đi đường và chậm trễ giờ cho khách trên xe khi vận tốc trung bình chỉ còn chừng 15km/h. Cả khi không bị kẹt xe, tuyến xe buýt Bến xe Miền Đông - Bến xe Miền Tây dài 18,3km cũng đã hết 55 phút.

Chúng tôi leo lên một chuyến xe buýt trên trục Bến Thành - An Sương giờ cao điểm, cứ tranh thủ có chỗ nào đường còn trống là tài xế đạp ga khiến cả khách ngồi trên ghế và người đứng đều chao đảo. Thỉnh thoảng một vài hành khách phía trước lại hốt hoảng la lên khi đầu xe buýt đang đà lao tới đã sát sạt với xe máy phía trước hoặc lúc xe buýt tấp vào trạm ép hàng chục xe máy sát vào lề.

Bên hông xe, phụ xe liên tục mở cửa kính vỗ vào thành xe cảnh báo người đi xe máy, xe đạp để xin đường. May mắn là chiếc xe này còn quạt gió, nhưng mùi hơi người, mùi mồ hôi ám vào nhau thành thứ mùi ngai ngái khó chịu mà trên cùng chuyến xe, chúng tôi đã đếm được có tới gần chục người đeo khẩu trang. Dọc hành trình, tiếng máy xe bị ép ga, xe đời cũ, phuộc nhún không dùng bóng hơi trợ lực nên gặp đường xấu và ổ gà, cả thân xe, cửa kính đều rung lên bần bật.  

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, điều khiến hành khách lo lắng là kể từ sau khi trên nhiều xe buýt xuất hiện thông báo "Hành khách đi xe cảnh giác với móc túi" dán ngay cạnh cửa lên xuống, cho tới nay, chưa có con số thống kê cụ thể về số vụ hành khách đi xe buýt bị mất cắp.

Chỉ biết rằng, nạn trộm cắp hoành hành trên những tuyến xe buýt đông người tới mức báo động nên tháng 8/2010, Trung tâm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng đã phải có văn bản gửi Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội đề nghị hỗ trợ điều tra, truy bắt đối tượng móc túi. Tổng cộng, cho tới nay đã có trên 30 đối tượng trộm cắp trên xe buýt bị lực lượng Công an bắt giữ.

Những tồn tại trên do chính những người có trách nhiệm trong việc quản lý, điều hành hoạt động của xe buýt để xảy ra. Bản thân xe buýt hoàn toàn không xấu và không có lỗi đến mức bị người dân ác cảm. Vì vậy, với thực trạng hoạt động của xe buýt tại TP HCM hiện nay, cần các biện pháp đồng bộ để xốc lại hiệu quả hoạt động của xe buýt, giảm gánh nặng ngân sách, hạn chế nỗi bực dọc do kẹt xe buýt gây ra với người đi đường… từ đó mới có thể nâng mức thân thiện của xe buýt để thu hút khách đi xe.

Hiệu quả chưa tương xứng với tiền trợ giá

Theo đà tăng của giá xăng dầu, vật tư, thiết bị… năm 2010, khoản tiền ngân sách TP HCM tiếp tục phải bỏ ra trợ giá cho các hoạt động của xe buýt đã lên tới mức 700 tỷ đồng cộng với 40 tỷ đồng dự phòng. Đấy là mức do HĐND thành phố quyết, còn nếu chấp thuận theo cách của Sở GTVT, số tiền trợ giá mà cơ quan này đề xuất còn lên tới con số 820 tỷ đồng.

Đức Thắng
.
.
.