Xây thủy điện Xayaburi phải tính đến lợi ích hàng chục triệu người vùng hạ lưu

Thứ Ba, 19/04/2011, 11:36
Hôm nay (19/4), số phận của Xayaburi sẽ được Ủy hội sông Mê Kông quyết định. Xayaburi nếu được xây dựng sẽ gây những tổn hại không thể bù đắp cho hệ sinh thái, sinh kế và an ninh lương thực các quốc gia vùng hạ lưu sông Mê Kông, ảnh hưởng trực tiếp tới 29,6 triệu dân.

Điều nguy hại hơn, Xayaburi sẽ gây ra hiệu ứng domino, kéo theo 11 đập thủy điện lớn tiếp tục chặt nát dòng Mê Kông. Trong cuộc họp khẩn cấp chiều 18/4, các nhà khoa học Việt Nam cho rằng, ngay từ lúc này, Đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động tìm phương án đối phó.

Thiệt hại cho đa số, lợi ích cho thiểu số

Ngày 20/9/2010, Ủy ban Mê Kông Quốc gia Lào gửi thông báo chính thức cho Ban thư kí Ủy hội sông Mê Kông (MRCS) kế hoạch xây dựng thủy điện Xayaburi. Chính phủ Lào tin rằng, Xayaburi sẽ mang lại nguồn thu quan trọng, giúp thu hút đầu tư nước ngoài và đem đến sự phát triển kinh tế xa hơn cho quốc gia vốn nghèo này. Tuy nhiên, kế hoạch này ngay lập tức bị các nước vùng hạ lưu (Việt Nam, Thái Lan, Campuchia) phản ứng bởi lo ngại việc phát triển thủy điện trên dòng chính sẽ gây tác động không lường hết được tới hệ sinh thái cũng như đời sống của hàng chục triệu người dân sống vùng hạ lưu. Mặc dù phải tới ngày hôm nay (19/4) MRCS mới đưa ra phán quyết cuối cùng với Xayaburi, song trên thực tế, Lào đã khởi công xây dựng đập này.

Hiện tại có khoảng 60 triệu dân sống tại hạ lưu sông Mê Kông, trong đó có 29,6 triệu người sống trong vòng bán kính 15km bên bờ sông. Sông Mê Kông cũng là nguồn cung cấp sinh kế, đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 70% dân cư lưu vực nhờ đánh bắt cá, trồng hoa màu... Đập Xayaburi xây dựng sẽ chuyển 55% độ dài hạ lưu thành một số hồ chứa nước đọng, làm biến đổi dòng chảy tự nhiên của con sông. Các con đập sẽ chặn lộ trình di cư của các loài cá, giảm diện tích vùng đầm lầy. Ước tính, thiệt hại của riêng ngư nghiệp từ 26-42%, khoảng 500 triệu USD mỗi năm.

An ninh lương thực của hàng chục triệu người sẽ bị ảnh hưởng và Campuchia được dự đoán là nước phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Thiệt hại về nông nghiệp do lũ từ hồ chứa nước có thể lên tới hơn 5 triệu USD mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm tới 50%, dẫn tới phải tăng lượng phân bón, mất thêm 24 triệu USD mỗi năm. Tập quán sinh sống của người dân vùng hạ lưu sẽ phải thay đổi vĩnh viễn, có thể dẫn tới mất cân bằng phát triển và nghèo đói trung hay dài hạn, hủy hoại nỗ lực giảm nghèo của các quốc gia.

Vị trí đập Xayaburi trên dòng chính sông Mê Kông.

Đối với Việt Nam, việc xây dựng Xayaburi và 11 thủy điện bậc thang sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào cho Đồng bằng sông Cửu Long mà còn đe dọa trực tiếp tới đời sống của gần 20 triệu dân sống trong vùng. Tất cả 12 thủy điện bậc thang đều là các thủy điện không điều tiết, chỉ phục vụ mục đích phát điện, không có tác dụng điều hòa nguồn nước, tức giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô. Trung Quốc sẽ là nước được lợi lớn nhờ phát triển thủy điện dòng chính. Với 8-15 hồ chứa ở thượng nguồn, 3-4 thủy điện ở trung lưu, và nếu được phê duyệt sẽ có thêm 4-5 thủy điện ở hạ lưu, Trung Quốc sẽ chiếm lợi thế toàn diện về kinh tế, khống chế nguồn nước các quốc gia hạ lưu.

Xayaburi cũng khiến Lào đối mặt với nhiều rủi ro

Xây dựng Xayaburi, Lào sẽ có lợi nhất từ thủy điện dòng chính. Theo tính toán, Lào có khả năng thu được 70% toàn bộ lợi ích năng lượng, trong khi Campuchia và Thái Lan nhận được 11-12% và Việt Nam chỉ có 5%. Tuy nhiên, Lào cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi phát triển thủy điện vì tất cả các dự án thủy điện đều là do các nhà đầu tư tư nhân hoặc các tập đoàn nước ngoài đầu tư. Trong 25-30 năm đầu vận hành theo phương thức BOT, phần lớn lợi ích (bằng tiền) sẽ vào tay các nhà đầu tư tư nhân hoặc nước ngoài. Chính phủ Lào chỉ được hưởng 26-31%, tức khoảng 676-806 triệu USD/năm. Việc có được qui chế vận hành liên hồ để giảm thiệt hại cho hạ lưu là điều gần như không thể thực hiện.

TS Đào Trọng Tứ - Ủy viên mạng lưới sông ngòi Việt Nam - cho rằng: "Nếu không phát triển thủy điện dòng chính, Lào vẫn đủ nhu cầu điện năng nhờ phát triển thủy điện trên các phụ lưu sông Mê Kông. Lào có tiềm năng thủy điện dòng nhánh rất lớn. Chính phủ Lào cũng có thể nghiên cứu tìm các giải pháp năng lượng thay thế, không nhất thiết phải phát triển thủy điện. Sông Mê Kông là tài sản chung của các quốc gia. Nếu  như nguồn nước bị chặn ngay ở đầu nguồn thì nó sẽ không còn là sông chung. Các nước cần được chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lí".

Bà P' Eang - đồng Giám đốc Terra, Quỹ phục hồi sinh thái Thái Lan - bày tỏ: "Rất nhiều người Thái đã bày tỏ thái độ phản đối với các ngân hàng, Chính phủ Thái Lan vì đã cho các công ty tư nhân vay tiền để xây dựng Xayaburi. Ngày 18-4, hơn 100 người sống ở vùng hạ lưu Mê Kông đã gửi thư lên Đại sứ quán Lào và Bộ Ngoại giao Thái Lan để phản đối xây dựng đập. Trước đây, Thái Lan đã xây dựng một số đập, gây ra nhiều tác hại mà tới nay chưa khắc phục hết. Là người Thái Lan, tôi thấy xấu hổ khi Chính phủ Thái Lan đã không rút kinh nghiệm từ quá khứ mà vẫn ủng hộ việc xây dựng Xayaburi".

Theo thiết kế, 12 con đập trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông có thể đạt tới công suất 14,697MW, chiếm 23-28% tiềm năng thủy điện của 4 quốc gia vùng hạ lưu. Tuy nhiên, các dự án thủy điện trên dòng chính sẽ góp phần làm gia tăng sự mất cân bằng ở các nước vùng hạ lưu. Những lợi ích được chia sẻ không đồng đều giữa các quốc gia. Trong trung và ngắn hạn, đói nghèo sẽ trở nên trầm trọng hơn do ảnh hưởng của bất kì dự án dòng chính nào, đặc biết là ngư dân nghèo do bị thiệt hại bởi nghề cá.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Nguyễn Phương Nga: Việt Nam mong muốn các nước nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể những tác động của các công trình thủy điện trên sông Mê Kông

Ngày 18/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam về việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng sông Mê Kông, trong đó có đập Xayaburi, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói: “Sông Mê Kông là một dòng sông quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các nước ven sông. Là một nước nằm ven sông Mê Kông, Việt Nam mong muốn các quốc gia có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể những tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông trước khi đưa ra quyết định triển khai xây dựng các công trình này. Các quốc gia ven sông cần hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác và sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước dòng sông Mê Kông nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần vào sự phát triển bền vững chung của toàn bộ lưu vực sông Mê Kông và mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia ven sông và người dân sinh sống tại khu vực này”.

Theo TTXVN

Dư luận quốc tế không đồng tình triển khai dự án thủy điện Xayaburi

Theo Báo Bangkok Post của Thái Lan ra ngày 17/4 cho thấy hàng chục xe ủi, xe xúc đất và xe tải đang tấp nập ra vào khu vực công trường ở tỉnh Xayaburi của Lào. Tập đoàn ASEAN & Ch.Kamchang Public (Thái Lan), chủ đầu tư của dự án cũng đang tiến hành giải tỏa và đền bù cho người dân trong các ngôi làng xung quanh…

Xayaburi được xây dựng sẽ gây tác động không lường hết đối với gần 30 triệu người vùng hạ lưu.

Cũng theo bài báo trên, như vậy là chủ đầu tư Thái Lan và nước bạn Lào đã phớt lờ Ủy hội sông Mê Kông, vì hôm nay (19/4) cơ quan này gồm 4 nước Thái Lan - Lào - Campuchia và Việt Nam mới hợp để ra quyết định cuối cùng về dự án đập Thủy điện của Lào. Nhưng dự án đã lặng lẽ tiến hành hơn một tuần nay, đã đặt Ủy hội vào thế bị động, coi như việc đã rồi.

Thủy điện Xayaburi nếu được triển khai bất ngờ sẽ nằm cắt ngang sông Mê Kông thuộc phần lãnh thổ của Lào, cách đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam 1.930km, cách biên giới của Thái Lan về phía Nam (tỉnh Chiang Rai) 365km. Diện tích mặt hồ chứa rộng 49km2, chiều dài đập 820m, độ cao đỉnh đập 280m, công suất lắp máy 1.280MW, khả năng xả lũ 47.500m3/giây.

Có một điều đáng chú ý là, theo báo Bangkok Post, tuy Thái Lan là nước sẽ đăng ký mua 95% điện năng từ dự án Xayaburi, nhưng đông đảo người dân Thái Lan đã xuống đường đòi Chính phủ Lào phải ngừng dự án, đồng thời yêu cầu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hủy bỏ quyết định mua điện từ Lào. Khoảng 42 tổ chức môi trường, xã hội của Thái Lan cùng với hơn 210 tổ chức trên thế giới đã gửi thỉnh nguyện thư yêu cầu ngưng dự án. Thượng nghị sỹ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương của Mỹ, tuần qua cũng đã lên tiếng phản đối dự án đập thủy điện Xayaburi cũng như bất kỳ đập nào trên sông Mê Kông.

Theo nhóm các nhà khoa học mạng lưới sông ngòi Việt Nam trực thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thì: Đề xuất dự án Thủy điện Xayaburi gặp phải dư luận không ủng hộ của cộng đồng trên thế giới, khu vực và các quốc gia ven sông Mê Kông. Nếu nó được phê duyệt trong bối cảnh đánh giá tác động môi trường còn quá sơ sài, nhiều vấn đề rủi ro còn bị bỏ ngỏ, chưa đặt trong bối cảnh toàn bộ hệ thống và chiến lược phát triển của cả khu vực sẽ là một tiền lệ vô cùng bất lợi cho hợp tác hạ lưu vực sông Mê Kông.

PV

Lâm Khánh Vy
.
.
.