Xây dựng thương hiệu gạo trên vùng luân canh tôm-lúa ven biển ĐBSCL

Thứ Sáu, 05/10/2012, 19:04
Đó là chủ đề của hội nghị lúa-tôm lần thứ 3 do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 5/10. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh ven biển có hệ thống canh tác theo mô hình tôm-lúa, gồm : Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang và Long An. Hội nghị còn có sự tham gia của các nhà khoa học, các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và xây dựng thương hiệu lúa gạo chất lượng cao trong vùng ĐBSCL, một số nhà nông canh tác hiệu quả mô hình lúa-tôm trong vùng.

Theo Cục trồng trọt, Bộ NN&PTNT, trong những năm gần đây, hệ thống canh tác lúa-tôm đã phát triển mạnh mẽ ở nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL. Từ vài chục ngàn ha năm 2005, diện tích tôm-lúa đã tăng lên 160.000 ha hiện nay. Có thể tăng lên 180.000 ha vào năm 2015 và 200.000 ha vào năm 2020 tại 7 tỉnh ven biển ĐBSCL. Sau nhiều năm thực hiện, đây được coi là mô hình mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, được đánh giá là có hiệu quả, mang tính bền vững về môi trường. Đặc biệt, sản xuất theo mô hình tôm-lúa còn góp phần tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nâng cao giá trị hàng hoá của sản phẩm là tôm và lúa thương phẩm.

Phát huy lợi thế so sánh về tự nhiên, kỹ thuật, Sóc Trăng đã xây dựng vùng lúa trên nền đất nuôi tôm và đạt chứng nhận Global GAP với thương hiệu gạo Ngọc Đồng. Tỉnh Trà Vinh với đặc điểm vùng tôm-lúa phát triển mạnh mẽ trên cù lao Long Hòa (huyện Châu Thành) đã xây dựng và chứng nhận gạo hữu cơ dành cho thị trường xuất khẩu cao cấp trong nhiều năm qua.

Tại hội nghị, các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đều cho rằng: Hệ thống canh tác tôm-lúa ở các tỉnh ven biển ĐBSCL là hệ thống đặc thù, có nhiều lợi thế để phát triển ổn định, bền vững với những sản phẩm chất lượng cao. Thỏa mãn nhiều tiêu chí nghiêm ngặt để tạo ra hàng hóa cao cấp, hiệu quả kinh tế lớn, nhiều cơ hội để xây dựng và khẳng định thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đặc thù của vùng. Một số mô hình tôm-lúa của các tỉnh trong vùng cho thấy làm lúa luân canh tôm cho hiệu quả cao hơn hẳn chuyên canh lúa hoặc tôm từ 15-30% so với lối canh tác thông thường. Dịch bệnh vùng tôm-lúa ít hơn và cây lúa tốt hơn nhờ sẵn nguồn dinh dưỡng từ vụ nuôi tôm trước...

Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Bá Bổng-Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, khẳng định: Vùng ven biển ĐBSCL có vị trí đặc thù nên có lợi thế phát triển các sản phẩm lúa-tôm chất lượng cao. Do đó, hiện Bộ đã có chủ trương phát triển thủy lợi phục vụ vùng sản xuất tôm-lúa. Trong định hướng của các địa phương và của vùng, quy họach phát triển vùng tôm-lúa phải có sự khác biệt với các vùng chuyên canh lúa hoặc chuyên canh tôm. Để có những sản phẩm tôm-lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Global Gap, Việt GAP... thì vùng chuyên canh lúa-tôm phải hạn chế hoặc không nên dùng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Các vùng trồng lúa thơm nên sử dụng một loại giống lúa thơm để tránh giảm chất lượng, trong canh tác lúa cần chú trọng giống lúa chất lượng cao, không chạy theo năng suất...

Văn Đức
.
.
.