Vướng mắc trong việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần

Thứ Sáu, 08/11/2019, 10:05
Theo số liệu thống kê, sau 4 năm thực hiện chủ trương của Chính phủ, mới chỉ có 50 trong tổng số 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) chuyển thành công ty cổ phần (CTCP), chưa đạt 0,09% số đơn vị SNCL đang hoạt động.

Vì sao chậm?

Lý giải về việc chậm trễ trong quá trình chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP, các chuyên gia cho rằng một phần là do cơ chế, bởi vì ĐVSNCL muốn chuyển sang CTCP phải nằm trong danh mục và phương án chuyển đổi được Thủ tướng phê duyệt. Đặc thù của ĐVSNCL là rất nhiều đơn vị phục vụ an sinh xã hội nên lợi nhuận rất thấp và đa phần vẫn dựa vào ngân sách. Do đó, các bộ, ngành, địa phương rà soát thấy đơn vị nào đáp ứng điều kiện này thì mới đưa vào danh sách tiến hành cổ phần hóa (CPH) chứ không thể làm ồ ạt.

Ngoài cơ chế, việc chuyển đổi ĐVSNCL thành CTCP diễn ra chậm còn do một số nguyên nhân khác như: do các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ đặc thù chưa có chuyển biến về chất lượng dịch vụ so với thời điểm trước CPH; một số ít đơn vị không tiếp tục cung cấp dịch vụ công sau khi chuyển đổi; một số DN chuyển đổi từ ĐVSNCL chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ so với trước CPH… Trong đó, có vấn đề xử lý tài sản là nhà, đất của ĐVSNCL khi CPH. Hiện nay, ĐVSNCL đang được giao quản lý, sử dụng khoảng 2.378,58 triệu m2 đất và khoảng 103,57 triệu m2 nhà.

Tuy nhiên, việc xử lý nhà, đất khi CPH ĐVSNCL như lập phương án sử dụng nhà, đất sau khi CPH, xác định giá trị tài sản khi CPH ĐVSNCL… vẫn tồn tại, bất cập. Cụ thể, Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg cũng như pháp luật khác có liên quan chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng nhà, đất sau khi CPH của ĐVSNCL.

Việc quy định phương pháp xác định giá trị tài sản của ĐVSNCL khi CPH hiện chỉ áp dụng một phương pháp tài sản là chưa phù hợp với thực tế. Trong khi đó, đối với DNNN khi CPH, tổ chức tư vấn xác định giá trị DN được lựa chọn các phương pháp xác định giá trị DN thích hợp theo quy định của pháp luật giá và thẩm định giá để xác định giá trị DN, đảm bảo mỗi DN CPH phải được áp dụng tối thiểu 2 phương pháp xác định giá trị DN khác nhau trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định.

Cùng với đó, chưa quy định cụ thể hình thức sử dụng đất sau khi CPH ĐVSNCL. Ngoài ra, việc một số tồn tại trong quản lý, sử dụng nhà, đất của ĐVSNCL như: bị lấn chiếm, bố trí nhà ở… còn chậm được xử lý.

Từ phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cũng thừa nhận trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc cần được điều chỉnh như: chưa có quy định chặt chẽ về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp dịch vụ công của DN chuyển đổi từ ĐVSNCL, chế tài nếu ĐVSNCL không tiếp tục cung cấp dịch vụ công hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chưa quy định cơ chế giám sát, tổng hợp báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công của các DN này; chưa quy định hết đối tượng các ĐVSNCL có khả năng chuyển đổi thành CTCP như các ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; chưa có hướng dẫn xử lý một số nội dung tài chính đặc thù của ĐVSNCL; chưa có quy định về bán toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung của Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg về việc chuyển ĐVSNCL thành CTCP dẫn chiếu tới quy định về CPH DN. Tuy nhiên, các quy định về tài chính, kế toán đối với ĐVSNCL và DN là khác nhau. Do vậy, việc hướng dẫn chuyển đổi các ĐVSNCL thực hiện theo quy định như đối với chuyển đổi DNNN thành CTCP có thể tạo bất cập, khó khăn cho các đơn vị...

Thu nhập trung bình của người lao động tại các DN sau chuyển đổi tăng gần 30%.

Có cần ưu đãi thuế riêng?

Theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg, ĐVSNCL chuyển đổi thành CTCP được hưởng 3 chính sách ưu đãi về thuế, phí. Một là, được miễn lệ phí trước bạ đối với việc chuyển những tài sản thuộc quyền quản lý, sử dụng của ĐVSNCL thành sở hữu của CTCP. Hai là, được miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký DN khi chuyển từ ĐVSNCL thành CTCP. Ba là, đối với ĐVSNCL hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường khi chuyển sang CTCP vẫn được tiếp tục áp dụng các ưu đãi về hoạt động khoa học, công nghệ, chính sách khuyến khích xã hội hóa như đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực này trước khi chuyển đổi. Song, do những vướng mắc về pháp lý nói chung, khiến cho những ưu đãi về thuế cũng bị vướng mắc theo.

Giải quyết những vướng mắc này, theo PGS. TS. Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) thì không cần có thêm ưu đãi thuế vì đây không phải là nguyên nhân chủ yếu làm chậm tiến độ CPH ĐVSNCL. Thêm vào đó, việc bổ sung thêm ưu đãi thuế cho CTCP chuyển đổi từ ĐVSNCL sẽ làm phức tạp thêm các ưu đãi thuế thu nhập DN vốn đã rất rộng, phức tạp và đang cần được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa. Điều quan trọng hơn, nếu bổ sung thêm ưu đãi thuế riêng cho đối tượng CPH trong trường hợp này sẽ dẫn đến ưu đãi thừa, không cần thiết.

Góp ý về các giải pháp để có thể tháo gỡ được vướng mắc trong CPH ĐVSNCL, chuyên gia tài chính Phạm Minh Hóa nêu 5 nhóm vấn đề, trong đó phải rà soát, xác định cụ thể tiêu chí để phân loại ĐVSNCL đủ điều kiện để thực hiện CPH, có lộ trình cụ thể, phù hợp đối với từng loại hình ĐVSNCL. Thứ 2 phải quy định cụ thể, rõ ràng trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng nhà, đất khi CPH ĐVSNCL; trong đó, đặc biệt lưu ý đến việc xử lý trong trường hợp phương án sử dụng nhà, đất khi CPH có sự thay đổi so với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Thứ 3 là mở rộng phương pháp xác định giá trị tài sản theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về thẩm định giá; không chỉ áp dụng một phương pháp là phương pháp tài sản như hiện nay. Thứ 4 tập trung xử lý dứt điểm những tồn tại trong quản lý, sử dụng nhà đất của ĐVSNCL trước khi CPH, như: sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, bố trí nhà ở.

Cuối cùng là quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện CPH ĐVSNCL và việc quản lý sau khi CPH, nhất là đối với nhà, đất để tránh thất thoát vốn, tài sản nhà nước…

Sau chuyển đổi, doanh thu bình quân của DN tăng từ 14.950 triệu đồng lên 46.876 triệu đồng (tăng 214%), lợi nhuận bình quân tăng từ 667 triệu đồng lên 4.081 triệu đồng (tăng 503%). Mặc dù vẫn còn các đơn vị làm ăn thua lỗ, doanh thu giảm sút nhưng nhìn chung đa phần các đơn vị sau khi chuyển đổi thành CTCP đều hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn so với trước đây.

Bên cạnh đó, thu nhập của người lao động, theo số liệu của SCIC và các Bộ, ngành, địa phương cung cấp, thu nhập trung bình của người lao động tại các DN chuyển đổi từ ĐVSNCL tăng gần 30% so với thời điểm chuyển đổi.

Hà An
.
.
.