Vướng mắc trong các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng du lịch
Cùng với mục tiêu cụ thể: phấn đấu đạt và vượt con số 37,5 triệu lượt khách nội địa trong năm 2015, khá nhiều giải pháp cũng được Ban tổ chức đưa ra nhằm đưa chương trình phát huy trong thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, theo những người trực tiếp tham gia hoạt động du lịch, vẫn còn không ít vướng mắc trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch, đặc biệt là tăng trưởng mang tính bền vững.
Để đồng hành cùng với các đơn vị làm du lịch, Ban tổ chức đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách kích cầu du lịch. Trong đó, kiến nghị Nhà nước cho các đơn vị tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa được giảm 50% thuế giá trị gia tăng và lùi thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng.
Đây không phải là kiến nghị đầu tiên vì năm 2009, khi triển khai chương trình kích cầu du lịch "Ấn tượng Việt Nam", các chính sách này đã được Nhà nước đồng ý áp dụng. Tuy nhiên, theo nhiều đại diện của nhiều Hiệp hội Du lịch, nếu chưa có quyết định chính thức, Hiệp hội sẽ khó vận động các thành viên tham gia, bởi lẽ họ không biết kiến nghị có được chấp nhận không để mạnh dạn đầu tư, triển khai các chương trình ưu đãi cụ thể của đơn vị dành cho khách hàng của họ.
Đại diện của hãng lữ hành Hòn Ngọc Viễn Đông còn đưa ra một nghịch lý trong thực tế triển khai các chương trình kích cầu du lịch lâu nay là cứ nhắc tới kích cầu du lịch là phần lớn đều nghĩ đến việc giảm giá. Trong thực tế, việc chạy đua giảm giá giữa các đơn vị làm du lịch đang phát sinh nhiều vấn đề vì mải chạy theo giảm giá, chất lượng của sản phẩm đã không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch. Trong quá trình nhiều năm đưa khách đến các địa phương tham quan du lịch, người làm lữ hành luôn gặp khó khăn vì gặp phải tình trạng làm ăn mang tính "chụp giật". Người dân làm dịch vụ du lịch mang tính nhỏ lẻ tại nhiều địa phương ít có thói quen giữ chữ tín.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Trưởng nhóm kích cầu du lịch nội địa TP Hồ Chí Minh còn cho biết: Trong du lịch, việc kết nối hợp tác thành công với các hãng vận chuyển tạo nhiều hiệu quả thiết thực trong kích cầu du lịch nội địa. Khi giảm giá vé và phổ biến nhất là việc "bắt tay" hợp tác giữa du lịch với các hãng hàng không đã góp phần giảm đáng kể chi phí cho khách du lịch vì giá vé máy bay chiếm từ 45% đến 50% trong cơ cấu giá tour.
Với phương tiện vận chuyển đường bộ, đặc biệt là ngành Đường sắt, theo nhiều đại diện của các đơn vị lữ hành, ngành Đường sắt hiện nay vẫn hoàn toàn nằm ngoài chương trình kích cầu du lịch. Với giá vé như hiện nay, có khi giá vé tàu còn cao hơn nhiều so với đi máy bay. Hầu hết các đơn vị làm du lịch và Hiệp hội Du lịch đều cho rằng, phần lớn những vấn đề bất cập nói trên đều nằm ngoài tầm kiểm soát của các sở văn hóa, thể thao và du lịch địa phương. Để chương trình kích cầu du lịch 2015 hiệu quả, bên cạnh sự phối hợp tích cực từ nhiều bộ, ban, ngành Trung ương thì sự chủ động của chính quyền từng địa phương vẫn đóng vai trò quyết định...