Vụ mua bán giấy tờ giả ở Hà Nội: Mở rộng điều tra với hơn 100 doanh nghiệp liên quan

Thứ Ba, 01/11/2005, 07:58
Ngoài việc xác minh số tiền thuế thất thoát do việc sử dụng hóa đơn giả này gây ra, cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra về những phi vụ sử dụng loại hóa đơn này nhằm "chia chác", "cân đối" các khoản tiền từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp hoặc những khoản tiền bất minh trong các hoạt động kinh tế của đơn vị sử dụng nó.

Ngày 28/10 vừa qua, Công an quận Ba Đình (Hà Nội) đã tổ chức sơ kết giai đoạn I chuyên án lưu hành giấy tờ có giá giả và mua bán tài liệu của cơ quan Nhà nước (Báo CAND đã thông tin). Giai đoạn 2 theo như xác định của đơn vị phá án và chỉ đạo của Đại tá Đỗ Kim Tuyến, Phó Giám đốc Công an Tp. Hà Nội là sẽ làm rõ sự liên quan của hơn 100 doanh nghiệp và thu hồi hàng chục tỷ đồng tài sản cho Nhà nước.

Giai đoạn II của vụ án được bắt đầu từ thời điểm cuối tháng 10 và theo như công bố của cơ quan điều tra thì đến thời điểm hiện tại đã xác định được khoảng 60 đối tượng liên quan trong đường dây. Kèm theo đó, hơn 100 doanh nghiệp thuộc Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố khác như Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tp. Hồ Chí Minh… có dính líu vào các hoạt động mua bán hóa đơn của những đối tượng này. Ngoài ra, có rất nhiều hóa đơn khống thu được từ giai đoạn I của vụ án cũng cho thấy rõ việc những tổ chức, cá nhân liên quan đã sử dụng nó để hợp thức hóa cho các khoản thu, chi nằm ngoài quy định của Nhà nước.

Ngoài việc xác minh số tiền thuế thất thoát do việc sử dụng hóa đơn giả này gây ra, cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra về những phi vụ sử dụng loại hóa đơn này nhằm "chia chác", "cân đối" các khoản tiền từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp hoặc những khoản tiền bất minh trong các hoạt động kinh tế của đơn vị sử dụng nó. Như vậy, trong vụ án này, bên cạnh nhóm tội đã và sẽ được tiếp tục xử lý là "Lưu hành giấy tờ có giá giả" và "Mua bán tài liệu của cơ quan Nhà nước" còn có nhóm tội "Tham ô", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn…".

Ngay tại cuộc họp chiều 28/10, Đại tá Đỗ Kim Tuyến đã giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ về việc phối hợp cùng các Sở, ban ngành liên quan để điều tra, xác minh số doanh nghiệp "ma" đang tồn tại trên địa bàn nhằm hạn chế tình trạng "khai sinh" doanh nghiệp chỉ để mua bán hoá đơn gây ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế. Được biết, qua tổng kết của UBND quận Ba Đình, chỉ riêng quận này trong 6 tháng đầu năm 2005, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp ĐKKD cho 3.895 doanh nghiệp, nhưng hiện nay qua rà soát chỉ có 40% đang hoạt động, 60% còn lại không tồn tại (doanh nghiệp "ma")

Chí Long
.
.
.