Vụ cưỡng chế, giải tỏa đất rừng tại xã Đắk Ngo đúng luật

Thứ Hai, 30/04/2012, 17:28
Sau khi một số cơ quan báo chí nước ngoài đăng tải sai sự thật về vụ cưỡng chế, giải tỏa đất rừng tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức xảy ra vào ngày 20/4/2011, ngày 26/4/2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp báo công bố những thông tin liên quan đến vụ việc trên.

Ngày 7/4/2011, UBND tỉnh Đắk Nông có Quyết định số 478/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn 12 (đoàn liên ngành) để tiến hành cưỡng chế, giải tỏa các đối tượng lấn chiếm, sử dụng đất do phá rừng trái pháp luật tại địa bàn xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức. Theo đó, từ ngày 20/4 đến 27/4/2011, Đoàn 12 của tỉnh và các lực lượng chức năng liên quan đã tiến hành cưỡng chế, giải tỏa 753,9ha tại 4 tiểu khu, trong đó, có 469,7ha đất đã được người dân trồng trồng các loại cây như: cao su, điều, sắn và 285,6ha đất trống; phá bỏ, tháo dỡ 92 nhà tạm, lán trại được các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng xây dựng trái phép.

Các phương tiện kỹ thuật của Đoàn 12 bị đập phá trong đợt cưỡng chế.

Tuy nhiên, trong quá trình Đoàn 12 đang thi hành nhiệm vụ thì vào ngày 22/4, hơn 200 đối tượng tụ tập đông người, phục kích dọc đường dùng đá, bom xăng, súng tự chế tấn công đoàn cưỡng chế khiến 2 chiến sỹ Công an bị thương nặng. Sau đó chúng quay ra đập hư hỏng 7 xe máy múc, 1 xe cứu thương và đốt cháy 2 xe máy ủi. Thậm chí một số đối tượng đã lén lút bỏ thuốc diệt cỏ xuống giếng nước ăn của đoàn cưỡng chế.

Xét thấy hành vi vi phạm của một số đối tượng trên có dấu hiệu phạm tội, cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành triệu tập 60 đối tượng liên quan để điều tra làm rõ. Qua điều tra, đã bắt tạm giam 8 đối tượng, chính những đối tượng này đã cầm đầu lôi kéo, dụ dỗ người dân nhẹ dạ cả tin theo chúng để gây áp lực với đoàn cưỡng chế. Vì vậy, việc bắt giữ các đối tượng này của Công an tỉnh Đắk Nông là cần thiết, đúng quy định của pháp luật. Cũng từ đây, một số phần tử xấu từ nước ngoài đã rêu rao rằng Nhà nước Việt Nam bắt bớ, đánh đập người vô cớ, chiếm đất của dân để cho các doanh nghiệp thuê lại…

Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Đắk Nông cho thấy, hầu hết các đối tượng phá rừng, xâm canh đất rừng trái phép đều cư trú bất hợp pháp, không có hộ khẩu tại địa phương. Một số hộ dân là đồng bào dân tộc tại chỗ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động nhằm chống phá Nhà nước và chính quyền đại phương. Điển hình như trường hợp bà Phạm Thị Lộc (trú tại đồn 9, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, Bắc Giang), tuy không có tài sản bị cưỡng chế tại Đắk Ngo và cũng không đăng ký tạm trú tại đây, nhưng bà Lộc đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lôi kéo, xúi giục, kích động người dân viết đơn tố cáo, khiếu nại sai sự thật gửi đi các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước…

Tuy nhiên, tại buổi họp báo ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở NN và PTNT cũng thừa nhận, để xảy ra việc người dân lấn chiếm, sang nhượng, mua bán đất, đất rừng trái phép xảy ra trong một thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn từ đầu là lỗi của cơ quan quản lý rừng và chính quyền địa phương.

Một chiến sỹ Công an bị thương trong vụ gây rối ngày 20/4/2011.

Đơn cử như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín (đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng) đã hợp đồng liên doanh liên kết (LDLK) với các công ty xin thuê đất trồng rừng nhưng trong quá trình LDLK đã để xảy ra nhiều sai phạm. Điển hình như hai đơn vị DNTN Đại Lộc Phát và HTX Hiệp Thành, 2 đơn vị này mới chỉ được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát nhưng đã tự ý thực hiện dự án. Bên cạnh đó, một số công ty như Hoàng Thiên, Lê Gia, Hoàng Khang Thịnh, DNTN Phạm Quốc… đã lợi dụng Đoàn 12, thuê lực lượng đầu gấu, xã hội đen, côn đồ để uy hiếp các hộ dân lấn chiếm, xâm canh đất trái phép, tổ chức chặt phá hoa màu, đốt phá nhà cửa… dẫn đến người dân hiểu lầm...

Để chấn chỉnh tình hình trên, ngày 1/9/2011, UBND tỉnh có Quyết định số 1228/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra, xác minh vụ việc. Qua xác minh, Đoàn đã kiến nghị lên UBND tỉnh đình chỉ tất các LDLK với Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Quảng Tín; chỉ đạo Công an tỉnh và Công an huyện Tuy Đức điều tra làm rõ, xử lý các công ty đã dùng lực lượng xã hội đen, côn đồ… chặt phá nhà cửa, cây trồng của dân. Nếu có dấu hiệu sai phạm pháp luật, khởi tố để nhằm răn đe.

Toàn bộ diện tích thu hồi trong đợt giải tỏa, giao lại cho Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Quảng Tín tiến hành trồng lại rừng, trường hợp công ty để mất rừng phải đền rừng; giao UBND huyện Tuy Đức quy hoạch từ 300 đến 500ha đất thuộc địa bàn Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín để bố trí đất ở và đất sản xuất cho những hộ dân nào thực sự thiếu đất ở và đất sản xuất sau khi bị giải tỏa

Văn Thành
.
.
.