Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
- Chỉ chuyển đổi đầu tư công với dự án không có nhà đầu tư
- Đề nghị chuyển đổi 3 dự án cao tốc bắc nam từ phương thức đối tác công tư sang đầu tư công
Một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng hậu COVID-19 là giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy các dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ tạo đà tăng trưởng cho các ngành nghề khác.
Xác định rõ mục tiêu, trong thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều giải pháp tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và tập trung giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu tích cực.
Tích cực triển khai các dự án đã được phê duyệt
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020, của tỉnh Vĩnh Phúc đạt khoảng 171,58 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 8,1%/năm. Nguồn vốn này được sử dụng chủ yếu cho đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Dự kiến giai đoạn 2021- 2025, Vĩnh Phúc sẽ dành khoảng 260 - 280 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn của Vĩnh Phúc được giao gần 30 nghìn tỷ đồng, sau đó điều chỉnh bổ sung tăng lên gần 40 nghìn tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch này, tỉnh Vĩnh Phúc tích cực triển khai các dự án đã được phê duyệt và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. “Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 được tỉnh thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước và pháp luật. Quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 nhằm sớm giao cơ cấu vốn đầu tư công trung hạn để các cấp, các ngành có khung định hướng chuẩn bị thủ tục đầu tư, trong đó tập trung ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quyết toán, dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp sau đó mới bố trí khởi công dự án mới,” Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho hay.
Theo ông Thành, công tác phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm được thực hiện bố trí vốn theo đúng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư; các dự án đều được bố trí vốn ngay từ đầu năm, mức vốn được phân bổ đáp ứng tiến độ triển khai các dự án theo quyết định phê duyệt; các đơn vị đều khẳng định đã đề xuất mức vốn bố trí cho các dự án đảm bảo theo tiến độ thực hiện và cam kết thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công hàng năm được giao. Theo đó, các dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đều được bố trí đủ vốn thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; các dự án được quyết định đầu tư đều được phân bổ vốn kế hoạch hàng năm đảm bảo đủ vốn để triển khai thực hiện theo tiến độ được duyệt. Trong giai đoạn 2016 - 2020, cấp tỉnh không có dự án phải dừng thực hiện do thiếu vốn, không có dự án chậm tiến độ nguyên nhân do không đủ vốn và cấp tỉnh đã giải quyết hết nợ XDCB ngay từ những năm đầu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, 2 năm cuối kỳ kế hoạch (năm 2019 và năm 2020) đã phát sinh một số dự án không có mặt bằng, thủ tục chậm nên không thực hiện đúng kế hoạch trung hạn đã giao.
Trên thực tế, năm 2020, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trên địa bàn tỉnh là 6.624,5 tỷ đồng, trong đó, gần 6.475 tỷ đồng là vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương và 149,7 tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương. Trên cơ sở tập trung ưu tiên thanh toán nợ, công trình chuyển tiếp, bố trí dự án mới khi bảo đảm đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh đã phân bổ chi tiết gần 6.340 tỷ đồng cho các ngành, địa phương theo kế hoạch. Tuy nhiên, tình hình giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công được giao năm 2020 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn thấp. Đến 31/5/2020, toàn tỉnh mới giải ngân hơn 1.352 tỷ đồng, đạt 20,4% kế hoạch; lũy kế khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 6/2020 ước đạt hơn 1.703 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, ông Thành cho rằng, dự án triển khai chậm hơn so với tiến độ dự án được duyệt (do vướng mắc về GPMB hoặc do thời gian chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện dự án chậm...) dẫn đến giải ngân chậm hoặc thừa vốn không giao được kế hoạch; dự án lớn, có thời gian thực hiện dài, thậm chí phải thực hiện kéo dài sang cả giai đoạn sau. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 thì vốn đầu tư công của giai đoạn 2016 - 2020 vẫn phải đảm bảo cân đối đủ vốn so với tổng mức đầu tư được phê duyệt. Do đó, số vốn đã dự kiến cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho dự án không thể giao hết kế hoạch. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc huy động nhân công gặp khó khăn đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công một số dự án lớn, trọng điểm của tỉnh; tiến độ giải phóng mặt bằng ở một số dự án chậm đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công...Bên cạnh đó, còn tình trạng thực tế vốn kế hoạch hàng năm được cấp thừa do tiến độ triển khai dự án chậm hơn so với dự kiến nhưng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn không thừa. Do đó, không có cơ sở triển khai nhiệm vụ, dự án mới bởi chỉ có thể quyết định đầu tư nhiệm vụ, dự án mới khi cân đối đủ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đây là thực tế bất cập của Luật Đầu tư công về việc cân đối vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và tiến độ triển khai thực tế của nhiệm vụ, dự án - vốn chỉ cho phép xác định trong một kỳ kế hoạch trong khi nhiều dự án thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch.
Huy động tối đa mọi nguồn lực để tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất một số giải pháp cụ thể như tiếp tục thực hiện rà soát các công trình, dự án đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 được phép kéo dài thời hạn thanh toán sang năm 2020. Đề nghị thu hồi nguồn vốn đã bố trí cho các dự án chưa có nhu cầu sử dụng 100% vốn để bổ sung cho các dự án khác có nhu cầu nhằm đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch. Cho phép phê duyệt các dự án sử dụng nguồn vốn của 2 kỳ kế hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Lập kế hoạch đầu tư công tổng thể ngay từ đầu kỳ bao gồm cả nguồn vốn đầu tư công do Trung ương giao và nguồn vốn khác của địa phương bổ sung thêm chi cho đầu tư phát triển. Khi có các nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi, dự phòng ngân sách, nguồn cải cách tiền lương, kết dư ngân sách... bổ sung chi cho đầu tư thì cần khẩn trương có phương án sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách và thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa nguồn vốn để tránh bị động dẫn đến giải ngân chậm và bố trí vốn chậm. Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các Ban QLDA, chủ đầu tư theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, kịp thời đề xuất điều chỉnh cho phù hợp, tránh rơi vào tình trạng điều chỉnh kế hoạch dồn vào cuối năm, ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2020...
Mới đây, Vĩnh Phúc vừa tổ chức một cuộc họp chưa có tiền lệ, được coi như một hội nghị Diên Hồng của tỉnh từ tái lập đến nay khi triệu tập toàn bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội tham dự, thảo luận và đề xuất các giải pháp cấp bách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Với quyết tâm hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ, 9 huyện, thành phố trong tỉnh đã ký cam kết, khẳng định sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm; tỷ lệ giải quyết KNTC đạt từ 80% trở lên. Công tác bồi thường GPMB, xử lý vi phạm đất đai, xây dựng hạ tầng cơ sở hoàn thành đạt tỷ lệ cao nhất.
Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan cho biết, Vĩnh Phúc vốn là tỉnh công nghiệp phát triển, nhiều năm gần đây luôn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế khá, thu ngân sách tăng đều qua từng năm, các mặt KT-XH có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến quá trình phát triển KT-XH của tỉnh, khiến hầu hết các chỉ tiêu không đạt hoặc có nguy cơ không đạt kế hoạch đề ra, tiềm ẩn nhiều hệ lụy không tốt cho nền kinh tế địa phương. Đặc biệt, một số nội dung quan trọng như thu - chi ngân sách, thu hút đầu tư, đầu tư công… bộc lộ nhiều vấn đề nan giải, cần khẩn trương có hướng giải quyết. Do vậy, cần huy động tối đa mọi nguồn lực để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng phát triển.
Đặc biệt, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bà Hoàng Thị Thuý Lan nhấn mạnh tới 4 vấn đề Vĩnh Phúc cần phải tập trung cao độ để kịp thời giải quyết. Đó là cần nhanh chóng tìm ra biện pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công. Thống kê cho thấy, quá trình triển khai thực hiện đầu tư công trên địa bàn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, điển hình như công tác phân bổ nguồn vốn và giải ngân chậm so với yêu cầu đề ra. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và thẩm định dự án ở các sở; kiên quyết cho thu hồi các dự án chậm triển khai; kiểm điểm trách nhiệm của các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án; xây dựng phương án bổ sung nguồn lực cho những nơi có thể hấp thụ vốn...
Tiếp đó, phải tìm mọi cách tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị; đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất đấu giá, đất phát triển KT-XH; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai… Đồng thời, đẩy mạnh tập trung thu ngân sách, giải quyết dứt điểm các khoản chi đã có trong kế hoạch, chi chuyển nguồn... bằng việc yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ các nguồn thu, quản lý chặt đối tượng; thu hết các khoản nợ tồn đọng; giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc về thuế...Tăng cường công tác thanh tra -kiểm tra công vụ; đẩy mạnh kiểm soát trách nhiệm thực thi; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, thờ ơ, vô cảm với công việc.