Vĩnh Phúc: Kịp thời vào cuộc cùng doanh nghiệp vượt khó

Thứ Tư, 29/07/2020, 08:28
Kinh tế Vĩnh Phúc lần đầu tiên có mức tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm kể từ năm 2009. 6 tháng đầu năm 2020, 244 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 3,29 lần so với cùng kỳ và 29 doanh nghiệp giải thể.

Do đó, đã làm giảm nguồn thu ngân sách trên địa bàn, số thu sụt giảm mạnh từ tháng 4/2020, đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2020. Do vậy, để đảm bảo nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, góp phần đảm bảo nguồn thu, chống thất thu ngân sách.

Số thu giảm mạnh

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 6/2020, tổng số thu nội địa do ngành Thuế quản lý toàn tỉnh đạt 12.480 tỷ đồng, đạt 42,5% so với dự toán, 88% so với cùng kỳ. Số thu nội địa trừ dầu, trừ đất, cổ tức 6 tháng đầu năm ước đạt 10.782 tỷ đồng, bằng 37,7% dự toán, bằng 81,3% so với cùng kỳ (số thực tế), bằng 80% so với cùng kỳ (số loại trừ), là mức thấp trong nhiều năm qua cả về tiến độ và tốc độ.

Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIV của tỉnh và các đại biểu thăm quan mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới ở thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương).

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc, 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã làm thủ tục cho gần 60 nghìn tờ khai xuất khẩu, hơn 85 nghìn tờ khai nhập khẩu với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 4,4 tỷ USD.

So với cùng kỳ năm 2019, hoạt động XNK qua Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc giảm cả về số tờ khai, kim ngạch và số thuế. Hết tháng 6/2020, thu ngân sách Nhà nước ở Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đạt hơn 1.700 tỷ đồng, bằng 42 % so với chỉ tiêu được giao, bằng hơn 85% so với cùng kỳ năm 2019.

Lý giải nguồn thu thuế giảm, đại diện Cục Thuế Vĩnh Phúc cho rằng, nguyên nhân chính khiến thu NSNN giảm là do dịch COVID-19 tác động mạnh đến hoạt động SXKD của các DN, đặc biệt là các DN FDI- đóng vài trò then chốt trong cơ cấu thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ để các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh ảnh hưởng dịch COVID-19 phục hồi nhanh hoạt động SXKD, góp phần tăng thu cho NSNN.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ… phục vụ sản xuất một số ngành bị giảm sút nên các DN phải tìm nhà cung cấp nguyên liệu mới ở các quốc gia khác với giá mua vào cao hơn. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng và giá bán của các DN. Nhiều DN ngừng, nghỉ, hoặc hoạt động cầm chừng; không có doanh thu hoặc doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.

“Mặc dù đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhưng một số đơn vị nợ kéo dài chưa nộp được các khoản nợ cũ, lại tiếp tục phát sinh thêm các khoản nợ mới; một số đơn vị có phát sinh các khoản tiền thuê mặt đất, mặt nước thu tiền sử dụng đất với số thuế lớn nhưng do khó khăn chưa nộp NSNN ; một số đơn vị đã bỏ trốn, mất tích, liên quan đến trách nhiệm hình sự không có khả năng trả nợ nhưng vẫn bị tính chậm nộp, dẫn đến phát sinh tăng các khoản chậm nộp không có khả năng thu hồi.” Đại diện Cục Thuế Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc (Cục Hải quan Hà Nội) cho biết, xác định nhiệm vụ thu ngân sách năm nay là rất khó khăn nên đơn vị đã chủ động phối hợp với ngành thuế, Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc rà soát mã số thuế của các DN chưa làm thủ tục hải quan để tiếp cận, mời gọi họ đến mở tờ khai XNK. Bước đầu, đơn vị đã rà soát được 30 DN có số thu thuế từ 2 tỷ đồng trở lên có các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ván gỗ ép, thiết bị vệ sinh, lốp ô tô…

Số thu NSNN năm 2020 dự kiến khoảng 4.790 tỷ đồng, chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, sản xuất linh kiện điện tử, da giày, dệt may và thực hiện gia hạn của các đơn vị có năm tài chính khác với năm dương lịch phải chuyển nộp sang năm sau là 830 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp mở tờ khai XNK tại địa phương được Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc tạo mọi điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục thông quan. Ảnh: Nguyễn Lượng.

Trên cơ sở đó, chúng tôi đã thành lập các đoàn công tác đến gặp gỡ, nắm bắt thông tin và mời doanh nghiệp mở tờ khai XNK tại Chi cục. Với mong muốn được phục vụ các DN, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc đã tích cực phân tích thế mạnh của đơn vị trong việc thực hiện các chính sách công khai, minh bạch; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục thông quan; kịp thời giải trình, làm rõ ý kiến, yêu cầu thuộc lĩnh vực XNK của các đoàn kiểm tra đối với DN; tăng cường kết nối với 30 DN có dịch vụ logistics đang hoạt động trên địa bàn tỉnh…, để các DN thật sự yên tâm, tin tưởng đến mở tờ khai tại đơn vị.

Tạo thuận lợi để doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát triển bền vững

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN, đồng thời, thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Chỉ thị số 39, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 51, đề ra các giải pháp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện.

Đồng thời, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại đối với từng nhóm DN trên địa bàn để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết thủ tục cấp giấy phép lao động hoặc gia hạn giấy phép lao động cho người nước ngoài đang làm việc tại các DN trên địa bàn.

Tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua mạng internet và bưu điện, rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho các DN. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, thực hiện hỗ trợ miễn, giảm chi phí thông tin quảng cáo, thông báo tuyển dụng lao động cho các DN trên địa bàn tỉnh.

Gỡ khó về vốn cho DN, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh được tiếp cận vốn vay, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, các TCTD đã khẩn trương vào cuộc, triển khai các biện pháp cụ thể kịp thời hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong đó đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Cụ thể, lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 4,5-5%/năm đối với ngắn hạn; 5,5- 8%/năm đối với trung, dài hạn (lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,0-8,5%/năm đối với ngắn hạn; 8,8-10,5%/năm đối với trung và dài hạn).

Đồng thời, tiếp tục thực hiện các gói cho vay, chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi (giảm từ 0,5-2%/năm) với quy mô lớn để hỗ trợ DN, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;

Để hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc còn quan tâm, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; đẩy mạnh giải quyết thủ tục qua ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa, thu thuế xuất nhập khẩu; đảm bảo giải quyết nhanh các vướng mắc để thực hiện thông quan nhanh chóng.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh được tiếp cận vốn vay, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Tăng cường công tác quản lý thuế; rà soát, thực hiện nghiêm các quy định về thu thuế, hoàn thuế; duy trì vận hành thông suốt Hệ thống VNACCS/VCIS ổn định, an toàn đảm bảo 24/7; đảm bảo 100% tờ khai, 100% doanh nghiệp đáp ứng điều kiện khai báo qua Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS.

Song song với đó, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc còn tăng cường chống thất thu trong việc thực hiện các quy định về phân loại hàng hóa, áp thuế suất, xuất xứ hàng hóa; đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại từ khâu tiếp nhận, xử lý tờ khai... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu 4.150 tỷ đồng ngân sách Nhà nước vào cuối năm 2020.

Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho DN, Cục Thuế tỉnh đã tích cực xây dựng nội dung tuyên truyền về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ; hướng dẫn người nộp thuế nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 41 bằng phương thức điện tử trên hệ thống thuế điện tử ETAX.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành Thuế Vĩnh Phúc đã thực hiện 793 lượt tin, bài, ảnh, phóng sự, ấn phẩm, văn bản, email tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về các hoạt động nghiệp vụ của ngành Thuế...; tiếp nhận gần 755 DN, tổ chức đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền hơn 314 tỷ đồng; 15 hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, với số tiền hơn 189 triệu đồng.

Phấn đấu đảm bảo nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, thời gian tới, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ để các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh ảnh hưởng dịch COVID-19 phục hồi nhanh hoạt động SXKD, góp phần tăng thu cho NSNN.

Đồng thời, triển khai đầy đủ các giải pháp quản lý thu, khai thác tăng thu, chống thất thu NSNN, hạn chế tối đa việc doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trục lợi, trốn thuế. Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản các thủ tục hành chính, tiếp tục công khai hộ nộp thuế theo quy định trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện tốt quản lý đối tượng nộp, đưa hết đối tượng thuộc diện nộp thuế vào diện quản lý của cơ quan thuế, đảm bảo công bằng, công khai về số thuế phải nộp góp phần đảm bảo nguồn lực cho Chính phủ, các cấp, các ngành và các địa phương vừa thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, vừa phòng, chống dịch bệnh.

Lưu Hiệp
.
.
.