Vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh): Đang bị xâm hại nghiêm trọng

Thứ Năm, 15/10/2009, 08:32
Quảng Ninh có những lợi thế khó so sánh về công nghiệp, biển, cảnh quan du lịch, nhất là được thừa hưởng sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng vùng vịnh Hạ Long. Nhưng cũng có những nhược điểm về phát triển đô thị do yếu tố bình địa rất phức tạp, mặt bằng rất hiếm hoi.Muốn mở mang đô thị chỉ có cách phá núi hoặc lấn biển.

Không ít dự án đô thị tại TP Hạ Long, thị xã Cẩm Phả đã chọn hướng thứ hai: Lấn biển. Đây chính là nguyên nhân gây ra những tác động rất xấu về môi trường cho vùng vịnh, trong đó, vịnh Bái Tử Long (nằm trong quần thể du lịch Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long) đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Xâm hại vịnh đẹp

Bái Tử Long nằm trong vịnh Bắc Bộ, bao gồm một vùng biển của thành phố, thị xã và huyện đảo. Phía Tây Nam giáp Vịnh Hạ Long, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp đất liền với thị xã Cẩm Phả và phía Đông Bắc giáp huyện đảo Cô Tô. Vịnh Bái Tử Long bao gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ và trong đó có nhiều đảo lớn và có dân sinh sống.

Khác với Hạ Long, phải đi tàu ra xa mới chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo, còn với Bái Tử Long, chỉ cần đứng ở độ cao chừng vài chục mét là đã quan sát đầy đủ bức tranh sinh động, sự hòa trộn lạ kỳ giữa biển, núi, đảo. Có thể nói rằng, Bái Tử Long là phiên bản rút gọn của vịnh Hạ Long, trực quan ngay trên đất liền.

Sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa, nhu cầu phát triển nhà ở và đô thị đối với thị xã thợ thuyền ngày càng là áp lực, quy mô thị xã Cẩm Phả không ngừng được mở rộng, vùng thềm biển bao quanh luôn là tâm điểm thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tại đây đã có hàng chục dự án đô thị mở theo hướng lấn biển với tổng diện tích gần 200ha được phê duyệt, triển khai. Đó là chưa kể mặt bằng khởi tạo tăng ngoài sổ sách, quy hoạch do các chủ đầu tư tự cơi nới ước tính xấp xỉ diện tích được phê duyệt.

Xin dẫn ra đây vài ví dụ: Công ty xây dựng Quảng Hồng đã san lấp vượt quá quy hoạch gần 10ha, mở rộng ra tới sát mép núi ngoài diện tích 21,9ha được duyệt từ năm 2004. Công ty TNHH Đức Ngọc đã tự ý đổ lấn ra vịnh 9.000m2 khi tiến hành dự án xây dựng khu di tích lịch sử Vũng Đục...

Đáng nói là, hầu hết các chủ đầu tư mới chỉ quan tâm mỗi một yếu tố là san lấp sao cho có mặt bằng rộng nhất, rẻ nhất mà không hề chú ý tới việc bảo vệ cảnh quan, gìn giữ môi trường biển. Do vậy, đã không có những động thái xử lý mặt bằng với các phương án kỹ thuật nghiêm ngặt nhằm hạn chế tối đa tác động xấu đến vùng biển, đến vịnh Bái Tử Long.

Vì vậy, cùng với sự xuất hiện những khu phố khang trang bám sát biển, diện tích mặt vịnh ngày càng thu hẹp,  nước biển biến màu vì đã thành hồ chứa chất thải công cộng của hàng chục khu đô thị.

Mặt khác, ý tưởng đầu tư của các chủ dự án đều không rõ ràng. Tất cả chỉ nhằm vào mục tiêu tạo quỹ đất kinh doanh nhưng thiếu tính toán, thiếu khả năng tài chính, công nghệ đầu tư. Hậu quả là có rất nhiều dự án sau nhiều năm triển khai vẫn chỉ là những bãi đất đá mấp mô, nhếch nhác và nham nhở. Điển hình như dự án đô thị của Công ty TNHH Hưng Đạo (thị xã Cẩm Phả), từ ngày động thổ đến nay đã 5 năm vẫn chưa chuyển động.

Ngoài dự án đô thị, một số đơn vị, tập đoàn kinh tế lớn cũng "tranh thủ" lập dự án mở mang "bờ cõi" của mình ven bờ vịnh như khu công nghiệp, khu đô thị của Tập đoàn TKV (phường Cẩm Thịnh); dự án xây dựng cảng, bến bãi của Tập đoàn Indevco (phường Cẩm Phú, Cẩm Sơn).

Rất lạ là quy mô dự án rất lớn nhưng không hề có quy hoạch, có chỉ giới, phạm vi dự án một cách rõ ràng. Hệt như có một phong trào thi nhau xí đất, dành chỗ đang diễn ra rất ầm ào ven bờ vịnh. Bái Tử Long đang đứng trước nguy cơ bị "bức tử".

Hãy làm khi chưa quá muộn

Vấn đề lấn biển mở mang đô thị đã từng được cảnh báo sẽ tác động rất xấu đến môi trường biển Cẩm Phả và TP Hạ Long. Đã có những chỉ dụ của các cấp chính quyền Trung ương cũng như địa phương rằng, phải xác định tính giới hạn trong lấn biển, lấn như thế nào, bao nhiêu thì đủ để không tác động xấu đến các vùng vịnh đẹp Hạ Long và Bái Tử Long.

Song, cho đến giờ, chính quyền các đô thị nói trên vẫn chưa có được quy hoạch tổng thể. Mà như thế tức là chưa xác định được mục tiêu, chưa thể có câu trả lời cụ thể  đối với yêu cầu vừa nêu trên.

Hệ lụy tiếp theo là, riêng vùng vịnh Bái Tử Long, mặc dù chính quyền thị xã Cẩm Phả có chủ trương không cấp phép đầu tư các dự án mới nhằm hạn chế sự xâm phạm đến vịnh biển, nhưng trên thực tế, các dự án cũ gần như mặc sức muốn làm sao thì làm, muốn lấn bao nhiêu thì lấn, chính quyền rất khó kiểm soát.

Giờ đây thì vùng vịnh Bái Tử Long chẳng khác gì khu trưng bày "hòn non bộ" trong khuôn viên các dự án.

Đã đến lúc Quảng Ninh cần tổ chức kiểm tra, đánh giá một cách toàn diện đối với tất cả các dự án lấn biển khu vực vùng bờ vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Trên cơ sở đó sớm xây dựng những cơ chế quản lý nghiêm ngặt về tính giới hạn phạm vi dự án, kiểm soát chặt chẽ về môi trường, nhất là khâu xử lý chất thải trước khi đổ ra lòng biển

Lê Minh Triết
.
.
.