VietinBank kiên trì với chính sách tăng trưởng bền vững

Thứ Tư, 08/07/2020, 16:39
Trong 6 tháng đầu năm 2020, hoạt động của ngành Ngân hàng nói chung và VietinBank nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long... Theo đó, các chỉ tiêu tăng trưởng quy mô toàn ngành ở mức thấp, các ngân hàng đều thận trọng đánh giá khả năng sinh lời và lợi nhuận. Trong bối cảnh đó, VietinBank tiếp tục kiên trì với chính sách tăng trưởng bền vững.

Nỗ lực đổi mới kinh doanh, ứng phó với tác động của dịch bệnh

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong các tháng đầu năm đang ảnh hưởng lớn tới các nền kinh tế trên thế giới, làm gián đoạn, xáo trộn chuỗi cung ứng trên toàn cầu, gây thiệt hại tới hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Ngân hàng là một trong những ngành chịu tác động lớn nhất của dịch bệnh do sụt giảm nhu cầu tín dụng, khách hàng giảm khả năng trả nợ đến hạn, tăng nguy cơ phát sinh nợ xấu của nền kinh tế.

Đối với VietinBank, dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu do nhu cầu tín dụng sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của dịch COVID-19 và ngân hàng tiếp tục kiên trì với chính sách tăng trưởng bền vững, không nới lỏng điều kiện tín dụng để kiểm soát chặt chẽ rủi ro song song với tăng trưởng hiệu quả.

VietinBank góp phần thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế

Tính đến hết tháng 6/2020, dư nợ tín dụng bao gồm cả CN nước ngoài đạt 946,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5 nghìn tỷ đồng so với đầu năm, đặc biệt được cải thiện đáng kể trong tháng 6. Nguồn vốn huy động thị trường 1 tại 30/6/2020 tăng hơn 21 nghìn tỷ đồng so với 2019; cơ cấu nguồn vốn đã có sự chuyển dịch tích cực trong các tháng quý II. Trong đó nhờ việc tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, quy mô CASA của VietinBank ước tăng 22 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ 2019.

Chủ động đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp

Với vai trò là NHTM Nhà nước trụ cột, chủ lực của nền kinh tế, VietinBank đã chủ động đánh giá những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với khách hàng, bám sát những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục hoạt động trong và sau dịch bệnh.

VietinBank thực hiện triển khai đồng bộ nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực với quy mô lớn bao gồm hỗ trợ cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, thời hạn trả lãi, miễn giảm lãi, phí cho các khách hàng thuộc diện ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; giảm mạnh lãi suất cho vay, phí dịch vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu dùng,… sau dịch bệnh, đặc biệt đối với khách hàng thuộc lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên, khuyến khích.

Bên cạnh đó, VietinBank tiếp tục cải cách mạnh mẽ quy trình, thủ tục, tăng khả năng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối với các doanh nghiệp và cá nhân. Ứng dụng rộng rãi các giải pháp ngân hàng trên kênh điện tử, thuận tiện, an toàn, bảo mật, cung cấp đa dạng các dịch vụ công không dùng tiền mặt cho người dân.

VietinBank đã nỗ lực tiết giảm chi phí kinh doanh thông qua tái cơ cấu danh mục, tối ưu hóa cấu trúc chi phí để tạo điều kiện, nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay, giảm chi phí tài chính để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh và phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn chính đáng của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm cung ứng và lưu thông nguồn vốn tín dụng thông suốt, nhịp nhàng trong nền kinh tế.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, VietinBank đã chủ động chia sẻ, đồng hành cùng với khách hàng thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí để doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Lê Diệp
.
.
.