Việt Nam vẫn phải chi hàng tỉ đô la mỗi năm để nhập khẩu sữa

Thứ Ba, 09/09/2014, 19:11
Dù đã đẩy mạnh phát triển ngành sữa trong nước, thế nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hàng tỉ đô la để nhập khẩu sữa. Sản xuất sữa trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu tiêu dùng nội địa. Thông tin trên được công bố tại buổi hội thảo “Phát triển và đa dạng hoá sản phẩm sữa vì sức khoẻ cộng đồng” do Hiệp hội Sữa Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ Lương thực Thực phẩm Việt Nam tổ chức sáng 9/9.

Theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất sữa của Việt Nam đang phát triển nhanh những năm gần đây. Tổng đàn bò sữa năm 2014 là 200.400 con, tăng 14% so với năm 2013. Dự báo năm 2015, số lượng đàn bò sẽ tăng lên 237.300 con và tới năm 2020 sẽ đạt 394.300 con. Ngoài ra, sản lượng sữa bò của Việt Nam ước đạt 626,4 ngàn tấn vào 2015 và tới năm 2020 sẽ đạt 1.112.6 ngàn tấn. Các sản phẩm sữa nước đang giữ vị trí dẫn đầu trong ngành thực phẩm đồ uống với mức tăng trưởng 12% ở thành thị và 20% ở nông thôn, sữa chua men sống tăng 15%...

Đối với sữa bột, theo thống kê của Bộ Công thương thì trong 5 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất tăng 5,52% so với cùng kì năm 2013. Ngành chế biến sữa trong nước cũng đã có thêm nhiều nhà máy chế biến sữa mới hiện đại có thể cạnh tranh với ngành sữa thế giới điển hình nhất là 2 nhà máy chế biến sữa của công ty Vinamilk.

Ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc điều hành công ty Vinamilk cho rằng các doanh nghiệp sữa cần đa dạng hoá các sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Nhà máy sữa Việt Nam (Vinamilk) xây dựng trên diện tích 20 ha với tổng vốn đầu tư 2400 tỉ đồng, đặt tại Bình Dương được xem là nhà máy mega có công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới, với hệ thống sản xuất tự động khép kín từ đầu vào đến đầu ra, robot thông minh vận hành, hệ thống kho thông minh. Đây là nhà máy tập trung vào các sản phẩm sữa nước với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 400 triệu lít sữa/năm, giai đoạn 2 (dự kiến triển khai vào 2017) là 800 triệu lít. Ngoài ra, nhà máy chế biến sữa bột Vinamilk có vốn đầu tư 2000 tỉ đồng với công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/năm cũng được xem là nhà máy chế biến sữa bột lớn nhất khu vực châu Á.

PGS. Nguyễn Đăng Vang – Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, năm 2014, Việt Nam tiêu thụ sữa và sản phẩm sữa quy đổi khoảng 18 lít/người. Trong đó Việt Nam chỉ tự sản xuất được 456,4 ngàn tấn sữa tươi, chiếm 28%, số còn lại là nhập khẩu. Năm 2013, với việc nhập khẩu 72% sản phẩm sữa, Việt Nam phải chi 1.089 triệu USD. Từ 2007 đến tháng 8/2014, Việt Nam đã phải nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa đạt 5.724 triệu USD, tăng trung bình 14%/năm. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã phải nhập khẩu sữa trị giá 734 triệu USD. Đến năm 2045, quy mô dân số Việt Nam ước đạt 113 triệu người. Khi đó, nếu tự túc được 60% nhu cầu tiêu thụ sữa thì Việt Nam cần sản xuất 3400 ngàn tấn sữa bột, 5650 ngàn tấn sữa tươi, nhập khẩu 2250 ngàn tấn sữa quy đổi với giá trị nhập khẩu khoảng 3,6 tỉ USD.

Ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc điều hành công ty Vinamilk cho rằng, người Việt Nam có chiều cao trung bình ở mức thấp nhất Đông Nam Á một phần là do mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người thấp. Năm 2012, mức tiêu thụ bình quân của người Việt Nam là 15 lít, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (34 lít), Trung Quốc (25 lít), Anh (112 lít)… Ước tính, đến năm 2020, mức tiêu thụ bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng lên 28 lít. Nhu cầu tiêu dùng sữa của người dân ngày càng đa dạng buộc các doanh nghiệp cũng phải đa dạng hoá các sản phẩm. Hiện nay, doanh thu ngành sữa đang tăng trưởng tốt. Năm 2013, doanh thu ngành sữa đạt 62,2 ngàn tỉ đồng, dự kiến năm 2014 sẽ đạt 74,6 ngàn tỉ đồng. Vinamilk hiện vẫn đang là doanh nghiệp có vị trí dẫn đầu với 51,3% thị phần toàn ngành sữa nước

Khánh Vy
.
.
.