Việt Nam đảm bảo thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA

Thứ Ba, 03/09/2019, 08:02
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh khẳng định, những cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao.


Tại Hội nghị “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) - Các cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý”, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh khẳng định, những cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam khi tham gia EVFTA sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và là động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao. 

Tuy nhiên, nếu DN Việt Nam không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt khi rơi vào tranh chấp, kiện tụng. PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi ngắn với Bộ trưởng Chu Ngọc Anh xung quanh vấn đề này.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết kế hoạch thi hành các cam kết của Việt Nam về Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong EVFTA?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Nhìn chung, đa số các cam kết về SHTT trong Hiệp định EVFTA là phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam, trong đó có thể kể đến như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hoặc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực v.v...

Do đó, cùng với việc tích cực chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA, chúng ta đã và đang có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo thi hành đầy đủ và hiệu quả các cam kết này:

Việc chủ động trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT nhằm thực thi một số cam kết bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định CPTPP cũng là một bước chuẩn bị đầu tiên để nghiêm túc thi hành các cam kết về SHTT trong EVFTA. Luật này đã được Quốc hội thông qua ngày 14-6-2019 vừa qua.

Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật SHTT để thi hành các cam kết về SHTT trong Hiệp định CPTPP theo lộ trình cũng như bảo đảm thi hành các cam kết trong EVFTA mà pháp luật hiện hành chưa tương thích cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Theo kế hoạch, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật SHTT sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10-2019.

Các thủ tục cần thiết cho việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp cũng đang được gấp rút hoàn tất.

Ngoài ra, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 vào ngày 22-8-2019 vừa qua, trong đó bao gồm nhiều giải pháp nhằm đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ vào năm 2030. Theo đó, hệ thống SHTT Việt Nam được phát triển đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền SHTT nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng đóng góp của tài sản trí tuệ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền SHTT cũng như của xã hội, góp phần hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh.

PV: Trong thời gian tới khi các cam kết về SHTT trong EVFTA có hiệu lực, theo Bộ trưởng doanh nghiệp Việt cần phải làm gì?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Hiệp định EVFTA được kỳ vọng là sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền SHTT. Việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các DN, bao gồm cả các DN Việt Nam có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam.

Về đầu tư: ôi tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, môi trường kinh doanh nói chung ngày càng tốt lên (trong đó có sự tin tưởng ngày càng cao của các đối tác nước ngoài về việc bảo hộ các tài sản trí tuệ tại Việt Nam), đáp ứng các điều kiện của các Hiệp định FTA chúng ta đã ký kết, chúng ta sẽ thu hút được các nguồn vốn FDI chất lượng cao, với trình độ công nghệ tiên tiến. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ châu Âu để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của mỗi DN.

Về thương mại: Hiệp định EVFTA mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU, tuy nhiên, để khai thác được thị trường rộng lớn này, các DN cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU. Điều này đòi hỏi các DN phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, các DN mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.

Bên cạnh đó, tại thị trường trong nước, xu hướng về tăng cường bảo vệ quyền SHTT với những quy định về việc chống xâm phạm quyền SHTT nghiêm minh hơn có thể khiến DN của Việt Nam nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng. Bộ KH&CN sẽ luôn nỗ lực song hành cùng DN để vượt qua những thách đó.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Hiệp
.
.
.