Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo
Những số liệu mà Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) đưa ra tại hội thảo “Chuyển dịch năng lượng bền vững: cơ hội và thách thức cho ĐBSCL” vừa qua tại An Giang cho thấy, NLTT (với các loại hình, như: ĐMT; điện gió; điện sinh khối…) đang phát triển mạnh, hiếm tỷ trọng 15% cơ cấu tổng công suất hệ thống nguồn điện của Việt Nam, tăng 8% so với cuối năm 2018.
Đáng chú ý, cùng với 8 nhà máy điện gió (công suất 243MW), 100 nhà máy điện sinh khối (công suất 21MW) tiếp tục được duy trì vận hành ổn định, những tháng đầu năm 2019 đã có 82 dự án ĐMT đầu tư xây dựng, đi vào vận hành thương mại, cung ứng 4.464MW, chiếm 8% tổng công suất hệ thống điện cả nước.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID cho rằng, sau khi Chính phủ có cơ chế tháo gỡ phát triển NLTT đã thúc đẩy các loại hình năng lượng này phát triển vượt bậc. Tại thời điểm kết thúc hiệu lực biểu giá điện hỗ trợ các dự án ĐMT được ban hành ở Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, số lượng dự án ĐMT được đầu tư đưa vào vận hành thương mại vượt hơn 5 lần mục tiêu phát triển năng lượng mặt trời vào năm 2020 đã đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu. |
Trước tình hình thực tế, đến tháng 6-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 130 dự án ĐMT với tổng công suất khoảng 10.600 MWp (tương đương 8.500 MW) và đã có hơn 100 dự án được ký hợp đồng mua bán điện. Theo đó, còn có 18 dự án ĐMT khả thi đang xúc tiến triển khai đầu tư, sẽ đi vào vận hành thương mại. Tổng công suất ĐMT sẽ vượt lên chiếm tỷ trọng khoảng 13% trong cơ cấu tổng nguồn hệ thống điện thực tế của quốc gia trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các dữ liệu mà GreenID đưa ra cho thấy, so với thực tiễn phát triển NLTT, đặc biệt là ĐMT, Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Việt Nam còn bất cập. Cụ thể, mục tiêu phát triển ĐMT đến năm 2020 là 850 MW (tương đương 1/5 công suất đã có hiện nay), đến năm 2025 là 4.000 MW (thấp hơn công suất đã có hiện nay) và 11 năm tới chỉ ở mức 12.000 MW, nhiều hơn hiện nay khoảng 3.500MW. Như Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, trong 11 năm tới tỷ trọng công suất ĐMT chỉ tăng 1% trong cơ cấu tổng công suất nguồn hệ thống điện quốc gia (từ 8% hiện có lên 9%).
Theo đó, việc điều chỉnh quy hoạch điện Việt Nam theo hướng nâng tỷ trọng công suất NLTT - đặc biệt là ĐMT, điện gió phù hợp với tình hình phát triển thực tế và xu hướng chung của thế giới là cần thiết. Vì hiện nay tổng công suất NLTT chung của thế giới đã đạt 2.378 GW, chiếm tỷ trọng 33% tổng công suất nguồn hệ thống điện toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển NLTT.
Trong một hội nghị khoa học gần đây được tổ chức tại TP Cần Thơ, PGS-TS Lê Anh Tuấn (Viện phó Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, Việt Nam có tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW; có nguồn bức xạ mặt trời rất dồi dào và việc phát triển NLTT sẽ góp phần tích cực thực thi giải pháp an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, theo GreenID, tiến trình chuyển dịch NLTT tại Việt Nam cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Cụ thể, cần có giải pháp căn cơ để tránh xung đột về đất đai, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất triển khai các dự án NLTT, nên chú trọng các giải pháp về sinh kế, việc làm cho người dân của các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi các dự án điện.
Cần đẩy nhanh việc đào tạo nghề và chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường cho quá trình chuyển dịch NLTT. Việc đảm bảo chế độ phúc lợi, quyền cơ bản ở nơi làm việc cho người lao động trong các doanh nghiệp năng lượng ngoài nhà nước cần có nhiều cải thiện.
“Đây là những thách thức, đòi hỏi nỗ lực liên ngành, liên cấp và vai trò điều phối của Nhà nước trong kiến tạo chính sách và huy động các bên liên quan thực thi chính sách”, bà Ngụy Thị Khanh nhấn mạnh.