Việt Nam chịu ảnh hưởng gì từ khủng hoảng ở Hy Lạp?

Thứ Tư, 08/07/2015, 08:14
Hy Lạp khủng hoảng. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) xôn xao. Đồng euro liên tục mất giá. Trong thời buổi hội nhập sâu rộng với thế giới, liệu kinh tế Việt Nam có chịu ảnh hưởng?

Dù chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng vai trò của Hy Lạp với một trong các loại tiền tệ lớn trên thế giới khiến cho cuộc khủng hoảng tại nước này tạo ra nhiều xung chấn về kinh tế. 

Nhiều chuyên gia cho rằng khủng hoảng Hy Lạp, kinh tế toàn cầu sẽ không yên ổn. Các thị trường chứng khoán đã trồi sụt mỗi khi có đồn đoán về việc có thỏa thuận nào đó đạt được hay không, và nhiều khả năng sẽ hỗn loạn hơn nữa nếu Hy Lạp rời khối Eurozone. Các chủ nợ của Hy Lạp như Ngân hàng Trung ương châu Âu và các nước châu Âu khác cũng sẽ đối diện với các khoản thua lỗ ngay lập tức. Ngay cả khi Hy Lạp đạt được thỏa thuận thì vấn đề vẫn không thể giải quyết được ngay...

Với kim loại quý, sau khi người dân Hy Lạp từ chối một loạt chính sách thắt lưng buộc bụng mà các quốc gia chủ nợ yêu cầu nước này thực hiện để có được gói cứu trợ tài chính, vàng tiếp tục rớt giá. “Sự suy giảm của vàng là một bằng chứng cho thấy thị trường đang thu hẹp lại rủi ro đối với vỡ nợ công Hy Lạp và gia tăng những lo ngại đối với động thái tăng lãi suất tại Mỹ!”, các nhà phân tích của hãng Barclays- một công ty của Anh quốc chuyên điều hành dịch vụ tài chính trên toàn thế giới nhận định.

Khủng hoảng ở Hy Lạp gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá.

Vậy với Việt Nam, khủng hoảng ở Hy Lạp sẽ có tác động như thế nào? Trả lời câu hỏi này khi trao đổi với PV Báo CAND, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng những diễn biến kinh tế, chính trị ở Hy Lạp không ảnh hưởng nhiều tới kinh tế Việt Nam, vì quan hệ kinh tế giữa nước ta và Hy Lạp không nhiều. 

“Để xác định sự ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, cần rà soát lại quan hệ trực tiếp giữa 2 nước. Thực tế, từ trước đến nay, quan hệ thương mại, đầu tư của Việt Nam với Hy Lạp là rất ít, chỉ có du lịch là nhỉnh hơn một chút, nhưng cũng không nhiều, nên để “lo” là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ ảnh hưởng gián tiếp, thì khi đã hội nhập với thế giới, bất kỳ một diễn biến nào cũng có thể gây ảnh hưởng. Người ta từng ví von một cánh bướm đập ở Thái Bình Dương cũng có thế gây ra một cơn bão ở châu Á để nói đến sự tác động đó”, ông Ánh nói.

Phân tích sâu hơn, ông Ánh cho rằng về gián tiếp, khủng hoảng ở Hy Lạp sẽ khiến sức mua của nền kinh tế châu Âu giảm do suy giảm kinh tế thực sự, dẫn đến giảm nhu cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, giá trị đồng euro giảm mạnh sẽ khiến giá hàng hóa Việt Nam đắt lên tương đối, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào EU. Một mặt hàng “xuất khẩu” quan trọng chính là du lịch của châu Âu vào Việt Nam cũng sẽ giảm do khách du lịch châu Âu thấy chi phí du lịch tăng lên tương ứng với sự mất giá đồng euro…

Đồng quan điểm về việc Việt Nam và Hy Lạp không có quan hệ mậu dịch nên sự tác động trực tiếp là không nhiều, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu bổ sung thêm về tác động gián tiếp: “Việc ảnh hưởng chủ yếu qua đồng euro. Hy Lạp khủng hoảng, euro giảm, trong khi đồng USD sẽ tăng lên. Khi USD tăng, sẽ gây áp lực lên tỷ giá với đồng Việt Nam. Với quan điểm tiếp tục giữ ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm là 2%, Ngân hàng Nhà nước sẽ đối mặt với khó khăn khi điều hành. Và quan trọng là nếu cứ neo cứng tỷ giá 2% thì sẽ không hỗ trợ được xuất khẩu, trái lại nhập khẩu sẽ tăng. Vì vậy, theo tôi, tỷ giá nên được điều hành linh hoạt để vừa hỗ trợ xuất khẩu, vừa giảm nhập khẩu”, ông Hiếu góp ý. 

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng phân tích sâu hơn về vàng. Theo quy luật, khi kinh tế khủng hoảng, các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng như một nơi trú ẩn, đẩy giá lên cao. Tuy nhiên, khi Hy Lạp vỡ nợ thì khu vực Eurozone sẽ đỡ gánh nặng, khiến cho kim loại quý lại bớt hấp dẫn. Vì thế, trong thời điểm này, dù vàng liên tục xuống, nhưng ông Hiếu cho rằng chưa nên “bắt con dao rơi”. Riêng về nợ công, ông Hiếu khuyến cáo không nên chủ quan khi mà việc phân loại nợ công ở Việt Nam vẫn chưa theo chuẩn mực quốc tế.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MBS, tỷ giá VND/USD liên ngân hàng và tự do không có nhiều biến động trong 2 tuần gần đây. Tuy nhiên, áp lực lên tỷ giá trong năm nay vẫn còn lớn, do tình hình nhập siêu tăng nhanh, bên cạnh đó chính sách tăng lãi suất của Fed và lo ngại khả năng vỡ nợ của Hy Lạp cũng đang khiến cho nhu cầu đầu tư vào các tài sản an toàn hơn như USD và JPY tăng lên.

Lệ Thúy
.
.
.