Việt Nam - cơ hội cho những nhà bán lẻ nước ngoài

Thứ Sáu, 04/07/2008, 08:53
Trong năm 2007, Việt Nam đứng vị trí thứ 4 về sức hấp dẫn trên thị trường bán lẻ thì hiện nay đã vươn lên vị trí số 1 ở những thị trường mới nổi…

Trong tháng 6, A.T Kearney, một hãng tư vấn hàng đầu thế giới (Mỹ) đã đưa ra bảng báo cáo gây bất ngờ cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước khi nâng hạng thị trường bán lẻ Việt Nam lên vị trí dẫn đầu ở những thị trường mới nổi, thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2008.

Những năm trước, Việt Nam luôn đứng sau Ấn Độ, Trung Quốc, Nga nhưng là thị trường bán lẻ có nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là trong năm 2007, người Việt Nam đã chi gần 45 tỷ USD cho việc mua sắm và tiêu dùng, trong khi đó 5 nhà bán lẻ hàng đầu ở Việt Nam chiếm chưa tới 3% thị phần.

Đó cũng là lý do, chưa đầy một năm qua, đã có nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội để đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam. Điển hình, mới đây nhất là vào giữa tháng 6, đoàn doanh nghiệp do Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ dẫn đầu đến Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đưa hàng hóa của Mỹ vào Việt Nam.

Trong bảng báo cáo năm 2008 của Công ty A.T Kearney cũng thể hiện, sự ngoạn mục này là do tốc độ tăng trưởng cao, nhiều thay đổi trong luật pháp Việt Nam theo hướng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh với mức độ ngoài dự đoán.

Người tiêu dùng thuộc loại trẻ nhất châu Á với 79 triệu dân có độ tuổi dưới 65, độ tuổi được cho là có nhu cầu mua sắm nhiều. Chi tiêu mua sắm của người Việt Nam trong năm qua tăng 75% so với năm 2000.

Thị trường bán lẻ Việt Nam có tổng doanh thu khoảng 20 tỷ USD, con số này rất nhỏ so với Ấn Độ, Trung Quốc nhưng sự thiếu vắng cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng GDP 8% khiến đây là cơ hội mở rộng thị trường hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ toàn cầu. Ngoài ra, từ tháng 1/2009, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường cho các công ty kinh doanh bán lẻ 100% vốn nước ngoài tham gia.

Ông Marc Townd - Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH CB Richard Ellis Việt Nam CBRE cho rằng, mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam trong năm 2008 sẽ cực sốt, nhất là các đô thị lớn. Để đáp ứng nhu cầu về lĩnh vực bán lẻ, công suất thuê mặt bằng tại các TP lớn đã đạt trên 95% về nhu cầu thuê mặt bằng và nhiều trung tâm thương mại đang trong quá trình xây dựng nhưng các nhà kinh doanh cũng đã đăng ký thuê kín chỗ, điều này đã đẩy giá thuê lên cao.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 9.000 chợ và hơn 18.000 cửa hàng mặt tiền nhỏ, hình thức mua sắm truyền thống này chiếm phần lớn trong tổng doanh thu bán lẻ, và hiện nay hệ thống chợ và các cửa hàng này cũng đang dần chuyển sang mô hình kinh doanh bán lẻ hiện đại.

Thực tế đó đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng có những hoạch định để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài ngay trên sân nhà

T.Hà
.
.
.