Thực phẩm bẩn: Bệnh từ miệng mà vào"

Vì sao thực phẩm bẩn qua mặt được cơ quan chức năng?

Thứ Năm, 15/08/2013, 12:36
Nhìn vào trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng, có thể thấy, thực phẩm được phân cấp, giám sát từ khâu nuôi trồng, giết mổ, sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu đến thức ăn chế biến… nhưng thị trường vẫn tràn lan thực phẩm bẩn. Vậy, trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào? Phải chăng, sự phối hợp lỏng lẻo, chồng chéo đã dẫn đến cảnh “cha chung không ai khóc” hay chính chế tài xử phạt chưa đủ nghiêm khắc đã tạo ra căn bệnh “nhờn thuốc” trong vấn đề này?
>> Bài 3: Hậu họa khôn lường

Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 16.787 vụ việc về an toàn thực phẩm (ATTP), xử lý 8.140 vụ vi phạm, thu phạt tổng số gần 9 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; vi phạm trong quảng cáo; ghi nhãn thực phẩm; hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của sản phẩm…

Đặc biệt, sau 6 tháng triển khai đề án phòng ngừa, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, đã xử lý được 1.192 vụ, thu giữ tổng cộng hơn 224 tấn gà, gần 645 nghìn quả trứng gà Trung Quốc, hơn 35 tấn phụ phẩm gia cầm nhập lậu (nội tạng, chân, cổ, cánh) và gần 889 nghìn con gà giống, hơn 7 nghìn con vịt con, 12 tấn chim… với giá trị tịch thu, tiêu hủy hơn 3,3 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 1,138 tỷ đồng.

Nhận định về thực trạng buôn lậu thực phẩm bẩn trên thị trường hiện nay, ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: Rất khó để nói là tăng hay giảm, nhưng dựa trên kết quả kiểm tra, xử lý, có thể thấy tình hình vẫn rất phức tạp. “Hiện nay phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng hết sức phức tạp, trong khi lực lượng ta mỏng và kinh phí còn khó khăn. Các đối tượng buôn lậu thậm chí còn theo dõi hoạt động của các lực lượng chức năng, lợi dụng lúc sơ hở mới vận chuyển hàng hóa, mà thường là vận chuyển vào ban đêm, xé lẻ hàng hóa. Các thủ đoạn mới cũng liên tục xuất hiện, nhằm qua mặt cơ quan chức năng”… Mặt khác, không thể phủ nhận cơ chế giám sát, các văn bản pháp luật của chúng ta cũng còn bộc lộ nhiều bất cập.

Buôn lậu - một trong những con đường tuồn thực phẩm bẩn vào trong nước.

Đơn cử, hiện nay có 3 Bộ được giao quản lý về an toàn thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Ngoài ra, mỗi một lực lượng với chức năng nhiệm vụ riêng, để xử lý một vụ việc luôn phải có lực lượng liên ngành: Công an, QLTT, thuế… trong khi thực tế luôn biến động, không phải lúc nào các lực lượng cũng sẵn sàng 100% để xử lý vấn đề. Do đó, việc triển khai phối hợp vẫn còn những lúng túng. Chưa kể đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện vẫn còn chồng chéo và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. “Có những kẽ hở như Thông tư 60 Bộ Công Thương quy định đối với hàng hóa nhập khẩu có thể bổ sung hóa đơn chứng từ trong vòng 72 giờ. Đây là chỗ để các đối tượng có thể lợi dụng hợp thức hóa giấy tờ, trong khi các cơ quan chức năng rất khó xử lý, là kẽ hở cần sửa đổi bổ sung sớm”.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực phẩm bẩn luôn là vấn đề “nhức nhối” ở hầu hết các tỉnh, thành là do sự thiếu quyết liệt ngay từ địa phương. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, đối với một vài địa phương, việc tăng cường kiểm tra và công bố thông tin chưa tích cực. Theo chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm kết quả đợt 1 mới được Bộ NN&PTNT công bố cho thấy: 3/39 mẫu thịt gà nhiễm vi sinh vật gây bệnh (chiếm 7,7%); 2/40 mẫu nhiễm kháng sinh cấm và 4/40 mẫu nhiễm Furazolidon (chiếm 10%); 04/40 mẫu phát hiện tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép (chiếm 10%).

“Việc các mẫu thịt tiêu thụ trên thị trường nhiễm vi sinh vật, có thể phải xem lại quy trình giết mổ hiện nay, đặc biệt là việc vận chuyển từ cơ sở giết mổ ra cơ sở kinh doanh và từ điều kiện của cơ sở kinh doanh ở chợ”, bà Thu nhấn mạnh.

Ngay chính đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng thừa nhận: “Đơn cử như ở quận Hai Bà Trưng, có 4.000-5.000 kinh doanh cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản xuất kinh doanh nông sản. Những huyện khác, ít cũng khoảng 800 cơ sở. Tất cả đều thường do cấp huyện và xã, phường quản lý. Nếu không để huyện và các xã, phường vào cuộc thì không thể đạt được kết quả”. 

Như vậy, một câu hỏi rất rõ ràng là tại sao, nhìn vào trách nhiệm của các cơ quan chức năng, có thể thấy, thực phẩm được giám sát từ khâu nuôi trồng, giết mổ, sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu đến thức ăn chế biến… nhưng thị trường vẫn tràn lan thực phẩm bẩn.

Buôn lậu - một trong những con đường tuồn thực phẩm bẩn vào trong nước.

Ông Hà Hào Hiệp, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế: Chính quyền và Công an xã, phường là lực lượng nắm bắt được nhanh và đầy đủ nhất những người sản xuất, buôn bán thực phẩm “bẩn”. Song hiện sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với các ngành, các cấp chưa chặt chẽ. Nếu việc kiểm tra ATTP mà báo trước thì khó hiệu quả. Vì thế, việc phát hiện các vi phạm chậm, mà công tác xét nghiệm cũng chưa theo kịp, trong khi, đây là cơ sở thực tế để xử lý vi phạm. Để có thể làm tốt được công tác quản lý về ATTP, cần có hệ thống chuẩn hóa, đủ phương tiện, lấy mẫu đúng bài bản, xét nghiệm nhanh, mới giúp cho công tác xử lý vi phạm kịp thời. Bên cạnh việc xử lý phải đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan, cần phải dựa vào cơ sở, đặc biệt là nâng cao ý thức người dân. Sự phối hợp giữa ngành Y tế với Bộ NN&PTNT cần chặt chẽ hơn.

TS Lâm Quốc Hùng, Cục ATTP (Bộ Y tế): Hiện chúng ta có hàng ngàn loại hóa chất, trong đó, nhiều phụ gia được dùng trong chế biến thực phẩm. Nhưng do sử dụng không đúng cách, hoặc do cố tình gian dối khi đưa hóa chất dùng trong công nghiệp vào thực phẩm, như cồn công nghiệp, Melamine, Tinopal vv.. dẫn đến ô nhiễm thực phẩm.

Để tránh ô nhiễm, cần phải kiểm soát quá trình sản xuất được thực hiện an toàn thường xuyên... Việc quản lý đòi hỏi rất cao trách nhiệm và lương tâm của công dân. Việc kiểm soát nguy cơ đòi hỏi phải có sự đồng bộ, mà gốc rễ là ý thức và hành vi con người.

Thanh Hằng - Ngọc Yến - Vũ Hân
.
.
.