Vì sao nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận các gói hỗ trợ?

Thứ Hai, 15/06/2020, 06:42
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố kết quả khảo sát động thái doanh nghiệp (DN) Việt Nam quý I-2020 và đánh giá các chính sách hỗ trợ DN vượt qua dịch COVID-19. Theo đó, chỉ số sức khỏe của DN đã giảm mạnh từ 56 điểm của quý IV-2019 xuống chỉ còn 19,9 điểm, cách rất xa mức điểm trung bình 50.


Qua đó cho thấy, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng DN Việt. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ để giúp DN vượt qua khó khăn, tránh giải thể, phá sản. Tuy nhiên, cho đến nay DN vẫn khó tiếp cận được các gói hỗ trợ này...

Ông Phan Văn Quân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại nhựa Việt Thành chia sẻ, sản phẩm của công ty chủ yếu là sản phẩm gia dụng tiêu dùng nên không được người tiêu dùng (NTD) ưu tiên mua sắm trong mùa dịch. Từ đầu mùa dịch, công ty không bị ảnh hưởng nhiều nhưng lại bị tác động dây chuyền bởi các công ty khác.

Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm may mặc bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 nhưng khó tiếp cận được gói hỗ trợ.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty gỗ nội thất Lộc Phát cho rằng, do ảnh hưởng dịch, nhiều đơn hàng của công ty bị hủy hoặc bị giãn thêm thời gian. Không có đơn hàng, lương công nhân phải trả, lại gánh thêm chi phí mặt bằng, lãi vay,... trong khi không có doanh thu, khiến DN điêu đứng.

“Khi biết có gói tín dụng hỗ trợ cho DN gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch, tôi cũng đã đến một ngân hàng thương mại để tìm hiểu. Tuy nhiên, thủ tục để tiếp cận gói hỗ trợ này quá phức tạp. Ngân hàng còn yêu cầu tôi phải chứng minh thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, nhưng nói thật để chứng minh điều này là không thể, là đánh đố DN”, ông Thanh cho biết.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm, thành phố có 2.015 DN hoàn tất thủ tục giải thể và 7.257 DN tạm ngưng hoạt động (tăng lần lượt 16,41% và 29,91% so với cùng kỳ). Trước tình hình khó khăn của DN, một trong những giải pháp mà thành phố đề ra để phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, đó là ngăn chặn, kéo giảm đến mức thấp nhất đà phá sản của DN.

Hiện, trên địa bàn thành phố, số DN nhỏ và siêu nhỏ của TP chiếm đến 98% và đối tượng này dễ bị gãy đổ nhất do tác động của dịch COVID-19. Xác định nguồn lao động là rất quan trọng trong việc phục hồi, sản xuất kinh doanh của DN (bởi không có người lao động thì DN không thể hoạt động được), Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị, UBND thành phố triển khai quyết liệt, vừa gói hỗ trợ của Chính phủ, vừa gói hỗ trợ của thành phố để giữ chân người lao động tại các DN.

Ngoài ra, hỗ trợ DN liên quan đến thuê đất, nhập vật tư, thuế, lãi suất..., giảm chi phí, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa...

Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, nhưng trên thực tế số DN tiếp cận được các gói hỗ trợ này không nhiều. Qua khảo sát của VCCI, việc tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của DN vẫn còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý, dù được ban hành sớm nhất nhưng gói chính sách tín dụng mới chỉ có khoảng 7% DN đã được hưởng, khoảng 16,7% DN đang làm thủ tục tiếp cận. Có đến 28% DN đã tìm hiểu thông tin nhưng không tiếp cận được…

Nguyên nhân chính khiến nhiều DN chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ chủ yếu do thiếu các thông tin hướng dẫn cụ thể. Các quy định điều kiện được hưởng các chính sách rất khắt khe khiến các DN khó đáp ứng được. Như, với gói hỗ trợ tín dụng, có ngân hàng thương mại yêu cầu DN phải chứng minh được thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, chứng minh khả năng trả nợ.

Có DN không vay được các khoản vay mới do chưa có hợp đồng, trong khi các hợp đồng dự án bị chậm là do ảnh hưởng dịch bệnh. Còn đối với các gói hỗ trợ về gia hạn, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, kinh phí công đoàn đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có quy định điều kiện để DN được hưởng là “50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của DN phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh”. Với điều kiện trên thì DN gần như “chết lâm sàng”, chưa kể việc DN chứng minh thiệt hại 50% cũng vô cùng phức tạp.

Tại hội thảo “Giải pháp tài chính nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp thời COVID - 19” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI kiêm Giám đốc VCCI tại TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra kết quả khảo sát nhanh của VCCI thực hiện cuối tháng 4 - đầu tháng 5-2020 về thực trạng của cộng đồng DN.

Kết quả cho thấy, có 55% DN cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% DN có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, 21% DN sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Đáng chú ý, có khoảng 19% số DN trả lời là chưa có giải pháp gì để ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh.

“Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 đang tác động tới các hoạt động kinh tế - xã hội, nên việc kịp thời hỗ trợ các DN trong nước, nhất là DN vừa và nhỏ hiện đang có ý nghĩa sống còn”, ông Thành khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ, để hưởng được các gói ưu đãi, DN phải hoàn tất thủ tục và gửi đến cơ quan tiếp nhận chậm nhất là ngày 30-7. Đây là thời hạn cuối để cơ quan xem xét giải quyết quyền lợi cho DN. Còn DN vẫn còn thắc mắc không biết DN mình có thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi hay không, DN vẫn cứ hoàn tất thủ tục gửi đến cơ quan tiếp nhận trước thời điểm này. Sau khi tiếp nhận và xem xét, cơ quan chức năng sẽ trả lời cho DN. Bởi nếu chậm trễ thì dù có thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi, DN cũng sẽ không được xét duyệt.
Thúy Hà
.
.
.